Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TPHCM; lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và nhiều thương nhân xuất khẩu gạo lớn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 2/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 579.793 tấn gạo, trị giá 304,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo giảm 10% về lượng và gần 3% về giá trị.
Thông tin tại hội nghị, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, giá xuất khẩu gạo trung bình trong tháng 1/2023 đạt 519,3 USD/tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, đây chính là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo trong năm 2023.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2023 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (đạt trên 129.323 tấn), giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2022 (do trong tháng 1/2023 có hai kỳ nghỉ lễ kéo dài là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán).
Đối với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gạo chiếm tỷ trọng trên 13,2% với số lượng 47.424 tấn, tăng 13,2% với cùng kỳ năm 2022. Sự tăng trưởng này có được là do hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã trở lại bình thương tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi Trung Quốc mở cửa biên giới phía Bắc từ ngày 8/1/2023.
Trong tháng 1 cũng ghi nhận mức tăng trưởng 100% sang thị trường Indonesia trong khi cùng kỳ năm 2022 Indonesia không phát sinh hoạt động nhập khẩu từ Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia chiếm 24% tổng xuất khẩu của cả nước tương đương 85.925 tấn (chủ yếu là chủng loại gạo trắng cao cấp và gạo thơm).
Một số chủng loại gạo xuất khẩu trong tháng 1/2023 vẫn được ưa chuộng trên thị trường: gạo thơm các loại (ST24, ST 25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa…), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5%...
Theo đó, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo
Ông Trần Quốc Toản cũng chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam. Cụ thể, tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó, Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng và các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… đang quay trở lại. Đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19 khiến nhu cầu nhập khẩu dự báo sẽ trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ như trên, tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương các địa phương phía Nam và các doanh nghiệp cũng đánh giá, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng trong khi giá thành xuất khẩu chưa tăng tương ứng gây khó khăn về nguồn vốn cho thương nhân. Bên cạnh đó, chưa có sự kết nối chia sẻ thông tin giữa các thương nhân để cùng nâng cao chất lượng, hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam, tránh cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến uy tín gạo tại một số thị trường trọng điểm.
Ngoài ra còn có rủi ro từ biến động địa - chính trị, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng thiên tai gây ra hạn hán, mất mùa tại các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn gây ảnh hưởng đến nguồn cung thương mại gạo thế giới; xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistic gia tăng…
Đặc biệt, các doanh nghiệp đều nêu lên khó khăn về vốn và mong muốn được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua, dự trữ lúa gạo vào các cao điểm thu hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, đây là mặt bằng chung của thế giới và Việt Nam đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới nên sẽ phải đi theo quỹ đạo này. Hiện sau cuộc chiến Nga – Ukraine, thị trường vật tư nông nghiệp thế giới đã hình thành mặt bằng giá mới.
Về vấn đề vốn, hiện điều kiện tín dụng của các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất chặt chẽ. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo và đề nghị ngành ngân hàng có cơ chế phù hợp cho các doanh nghiệp lúa gạo để đảm bảo hài hoà giữa sự an toàn của ngân hàng và việc cung ứng vốn cho doanh nghiệp.
Về công tác thị trường, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thuơng mại; tăng cường công tác thông tin thị trường; phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo...
 

Nguồn: Haiquanonline