Nhiều dấu ấn đột phá
Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021 xuất khẩu thuỷ sản ghi nhận nhiều dấu ấn đột phá. Các doanh nghiệp vượt đại dịch cán đích xuất khẩu 8,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Mỹ đạt kỷ lục 2 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2020, chiếm 23% tổng XK thuỷ sản của Việt Nam. Ngoài ra, XK sang nhiều thị trường tăng trưởng vượt trội: EU tăng 12%; XK sang Hàn Quốc tăng 6%, một số nước trong khối hiệp định CPTPP như Australia tăng 16%, Mexico tăng 49%.
Đáng chú ý, XK thuỷ sản sang Nga tăng 21% nhờ số doanh nghiệp được phép XK sang thị trường này được tăng thêm 25 lên 50 doanh nghiệp trong năm qua.
Tuy nhiên, chính sách zero Covid của Trung Quốc đã ảnh hưởng mạnh đến XK thuỷ sản Việt Nam sang Trung Quốc. Việc Trung Quốc kiểm tra chặt để truy vết virus corona trên hàng thuỷ sản nhập khẩu qua các cửa khẩu đường biển, đường bộ và cả đường hàng không, gây ách tắc giao thương và thông quan hàng nhập khẩu vào thị trường này trong gần hết cả năm 2021. Do vậy, XK thuỷ sản sang Trung Quốc và Hongkong giảm sâu 17% xuống 1,1 tỷ USD, mức thấp nhất trong 5 năm.
Giá trung bình XK thuỷ sản sang các thị trường lớn tăng trung bình 10-30%. Bên cạnh các đòn bẩy thúc đẩy XK thuỷ sản như lợi thuế thuế quan từ các hiệp định FTA, nhu cầu tăng mạnh ở các thị trường, thì giá XK tăng là một tác nhân chính đưa kim ngạch XK thuỷ sản năm 2021 tăng, nhất là những tháng cuối năm khi đơn hàng tăng, nguồn cung thấp.
Theo đó, giá cá tra phile đông lạnh trung bình XK sang thị trường Mỹ tăng 2 tháng cuối năm tăng hơn 1 USD/kg so với cùng thời điểm năm trước, từ mức . Giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng tăng từ 11 USD cuối năm 2020 lên 12 – 13 USD/kg vào cuối năm 2021.
Tăng tốc xuất khẩu
Theo đánh giá của VASEP, năm 2022, dự kiến XK thủy sản của Việt Nam tăng trưởng tốt, trong đó mặt hàng chủ lực tôm Việt Nam sẽ tiếp tục tạo dấu ấn tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.
Năm 2022, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…Năm 2022, XK tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số, XK sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, XK sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định và có thể không có sự tăng trưởng đột phá.
Theo ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, năm 2022, có những thông tin đáng lưu ý đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm. Nếu tình hình dịch bệnh giảm thiểu, nhu cầu từ mảng dịch vụ sẽ hồi phục, sức cầu sẽ tăng tốt.
Chẳng hạn, người lao động qua thời gian dài va chạm dịch bệnh đã có sự chuyển đổi trong suy nghĩ tích cực hơn, chỉ có con đường chấp hành kỷ luật, chấp hành quy định sản xuất mới bảo đảm an toàn hơn về sức khỏe và có thể tăng thêm thu nhập. Mặt khác, một số lao động, trước đây xa xứ mưu sinh, nay có ý nghĩ tìm việc gần nhà cho giản tiện. Các yếu tố này là động lực để các doanh nghiệp chế biến mở rộng quy mô sản xuất của mình.
Như vậy năm 2022 không ít cơ hội đáng kể để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Lực, ngoài các yếu tố tích cực, một thách thức không nhỏ là các cường quốc tôm “đối thủ” của doanh nghiệp Việt Nam như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia đều thoát ra khỏi đại dịch, đều có kế hoạch phục hồi và chinh phục thị trường. Đáng kể Ecuador, Ấn Độ có thế mạnh là tôm giá rẻ. Indonesia có thế mạnh là tôm không bị thuế ở Hoa Kỳ, không bị kiểm tra nhập khẩu gay gắt như tôm Việt ở Nhật Bản.
Các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ngành tôm Việt luôn biết tranh thủ cơ hội, biết phát huy tính năng động truyền thống của mình, biết phát huy thế mạnh tôm Việt ở từng thị trường, biết né các thế mạnh các đối thủ để năm 2022 sẽ là năm tăng tốc mạnh mẽ hơn...

Nguồn: haiquanonline