Giá cao, xuất khẩu gạo đang chậm lại
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, cùng với đó là những khủng hoảng trong hoạt động vận chuyển như thiếu container rỗng, chi phí tàu biển tăng cao… khiến nhiều ngành hàng gặp khó khăn. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo vẫn kỳ vọng năm mới 2021 tăng trưởng khá, thậm chí, lượng và giá trị xuất khẩu năm nay có thể vượt mức năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), tự tin rằng, năm nay, ngành gạo chắc chắn sẽ tăng trưởng tốt hơn năm ngoái. Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam đều đang có.
Tuy nhiên, do giá gạo trong lúc “giáp hạt” hiện nay đang “neo” ở mức cao nên phần lớn nhà nhập khẩu chỉ mua cầm chừng, đủ cho nhu cầu tiêu dùng và tiếp tục đợi giá. Điều này khiến hoạt động xuất khẩu gạo có phần chậm lại trong hai tháng đầu năm 2021. Tình hình này dự báo sẽ được cải thiện trong vòng 1 - 2 tháng tới, khi đồng bằng sông Cửu Long vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân.
Hiện tại, giá chào bán gạo Việt Nam loại 5% tấm đang ở mức 510 đô la Mỹ/tấn, trong khi gạo thơm tại doanh nghiệp của ông Đôn chào bán với giá 600 – 630 đô la Mỹ/tấn. Gạo trung bình cũng ở mức 590 đô la Mỹ.
Lúa đông xuân mới vào đầu vụ nên diện tích cho thu hoạch chưa nhiều, nguồn cung gạo đang hạn hẹp nên giá bán ra ở mức cao. Ảnh: Nam Bình.
“Nhìn từ góc độ nhà nhập khẩu, giá gạo mức này bị đánh giá là còn “hơi cao”. Nếu giá gạo giảm khoảng 20 đô la Mỹ/tấn thì khách hàng có thể sẽ mua nhiều hơn”, ông Đôn nhận định.
Ví dụ như loại gạo Việt Nam đang rao bán ở mức 590 đô la Mỹ/tấn sẽ bán được nhiều hơn nếu ở mức giá 570 đô la Mỹ, còn loại gạo thơm chào giá 620 – 630 đô la Mỹ/tấn cũng sẽ dễ được khách hàng chấp nhận hơn nếu có giá 600 đô la Mỹ. Tuy nhiên, giá gạo bán ra còn phụ thuộc vào nguồn cung trong nước cũng như các vấn đề lợi nhuận của nông dân, doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Theo nhận định của vị doanh nhân này, khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ lúa đông xuân (khoảng từ giữa tháng 3 – PV), nguồn cung trong nước sẽ dồi dào, giá lúa gạo có thể sẽ giảm một phần. Điều này cũng phù hợp theo quy luật thị trường.
Hơn nữa, lợi thế của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế hiện nay là đã xây dựng được thương hiệu tốt và thay đổi được cơ cấu lúa gạo có tỉ lệ gạo cấp thấp chiếm phần lớn sang sản xuất gao cao cấp, gạo thơm là chủ yếu. Do đó, trong cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ, gạo Việt Nam có những lợi thế nhất định.
Cụ thể như, thị trường chính của gạo Ấn Độ là Châu Phi, với chủng loại gạo cấp thấp, giá rẻ như gạo 5% tấm của Ấn Độ hiện chỉ có giá khoảng 380 đô la Mỹ/tấn, gạo tấm của Ấn Độ cũng chỉ ở mức 310 đô la Mỹ.
Ngược lại, gạo cấp thấp IR 50404 của Việt Nam bây giờ đang “lên ngôi”, xuất khẩu được giá đến 510 đô la Mỹ/tấn. Cách đây vài năm, giá xuất khẩu gạo 504 chỉ ở mức trên 300 đô la Mỹ, giá lúa mua của nông dân cũng chỉ khoảng 4.000 – 4.200 đồng/kg nhưng hiện nay đã tăng lên mức 6.500 đồng/kg.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng, ngay từ đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được một số lô hàng gạo số lượng lớn sang các thị trường lớn và khó tính như EU. Do đó, có cơ sở để đặt kỳ vọng về một năm “được mùa được giá” của ngành lúa gạo. Lượng đơn hàng của doanh nghiệp này ở thời điểm hiện tại cũng rất khả quan.
Quảng bá gạo Việt qua kênh online
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về lương thực tăng cao. Gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế nhờ đáp ứng được thị hiếu của nhiều người tiêu dùng trên thế giới. Diện tích xuống giống vụ đông xuân năm nay, theo Cục Trồng trọt, xấp xỉ 2,99 triệu ha với sản lượng bình quân khoảng 7 tấn/ha. Hiện nay, trà lúa đông xuân sớm đang trong giai đoạn làm đòng đến chín sớm. Khoảng giữa tháng 3, diện tích cho thu hoạch sẽ nhiều hơn, bổ sung nguồn cung gạo cho xuất khẩu.
Để đảm bảo kim ngạch và khối lượng xuất khẩu gạo năm 2021 tiếp tục duy trì mức tương đương hoặc cao hơn năm 2020, VFA đã đề ra một số giải pháp phát triển thị trường, tiếp cận khách hàng nước ngoài thông qua các Thương vụ Việt Nam.
Bên cạnh đó, VFA cũng đã xây dựng các kênh chào hàng trực tuyến và tham gia các hội thảo về thương mại theo hình thức trực tuyến để phát triển ngành hàng gạo. Việc tham gia vào các kênh thương mại điện tử cũng thể hiện sự chuyển mình nhanh chóng của ngành gạo theo xu hướng chung.
Ngành gạo đang đẩy mạnh các hoạt động quảng báo online và kỳ vọng một năm tăng trưởng tốt. Ảnh: Nam Bình.
Đánh giá của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường chính của Việt Nam vẫn đang là những thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á... Trong khi đó, những thị trường mới khai thác có lượng xuất khẩu chưa nhiều. Chỉ một số doanh nghiệp tận dụng được các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường tiêu thụ cho gạo Việt.
Do đó, việc xây dựng kênh chào hàng trực tuyến để giới thiệu các mặt hàng gạo Việt Nam là hoạt động mới, giúp khách hàng có nhiều nguồn tiếp cận với gạo Việt hơn trong điều kiện di chuyển, gặp gỡ nhau khó khăn như hiện nay.
Theo ông Đôn, xưa nay, Việt Nam thực hiện quảng bá hình ảnh sản phẩm gạo và tìm kiếm hợp đồng chủ yếu thông qua các hội chợ thương mại, các hội nghị, hội thảo. Gần đây nhất là tham gia cuộc thi Gạo ngon Thế giới.
“Nếu xây dựng được sàn thương mại điện tử cho gạo Việt có thể giúp khách hàng có thêm thông tin, minh bạch hóa thông tin sản phẩm lúa gạo Việt Nam, cũng là một cách làm hay”, ông Đôn nhận định.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong nước cũng đang xây dựng các ứng dụng (app) để phát triển việc bán hàng, ví dụ như doanh nghiệp Việt Hưng của ông Đôn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 2-2021 ước đạt hơn 262.000 tấn, tương đương khoảng 142,42 triệu đô la Mỹ, giảm gần 51% về khối lượng và giảm khoảng 40,2% về kim ngạch so với tháng 2-2020.
Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2021, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 608.768 tấn, tương đương 336,18 triệu đô la Mỹ. Con số này có giảm 34,45% về khối lượng và giảm 21,9% về kim ngạch so với tháng 2-2020.