Theo Tổng cục Thống kê, vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy 1.955,9 nghìn ha, tăng 10,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước. Tính đến ngày 15/8, cả nước gieo cấy được 1.409,1 nghìn ha lúa mùa (bằng 98% cùng kỳ năm trước) và gieo cấy 384,4 nghìn ha lúa thu đông (bằng 97,4% cùng kỳ năm trước).
Tính đến trung tuần tháng 8/2021, cả nước thu hoạch được 999,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 51,1% diện tích gieo cấy và bằng 97,9% cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 861,3 nghìn ha, chiếm 57,1% và bằng 98,4%.

Nông nghiệp vượt khó để duy trì sản lượng - Ảnh 1

Diện tích thu hoạch lúa hè thu chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do gieo trồng chậm hơn để đảm bảo nguồn nước tưới, phòng trừ sâu bệnh và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên thiếu nhân lực thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa gạo.
Tính đến ngày 15/8, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 817,5 nghìn ha ngô, bằng 99% cùng kỳ năm trước; 85,3 nghìn ha khoai lang, bằng 93,6%; 155,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 35,8 nghìn ha đậu tương, bằng 92,6%; 958,6 nghìn ha rau đậu, bằng 100,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến thời điểm cuối tháng 8/2021 tổng số trâu của cả nước giảm 3,8% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng số bò tăng 1,8%.

Nông nghiệp vượt khó để duy trì sản lượng - Ảnh 2Chăn nuôi lợn và gia cầm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ.

Ước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021, tổng số lợn của cả nước tăng 4,5%; số lượng gia cầm tăng 4,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Nhiều doanh nghiệp giảm công suất, phải tạm dừng hoạt động chế biến, dẫn đến nhiều đơn hàng đã ký phải nhưng doanh nghiệp không thể giao hàng. Dẫn đến xuất khẩu thủy sản trong tháng 8/2021 giảm khoảng 40% so với tháng 7/2021 và giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, tính chung 8 tháng năm 2021, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 143,4 nghìn ha, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 56,2 triệu cây, tăng 1,7%; sản lượng.
Trong 8 tháng, cả nước khai thác 11.085,2 nghìn m3 gỗ rừng trồng, tăng 5,1%; sản lượng củi khai thác đạt 12,9 triệu ste, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với ngành thủy sản, sản lượng khai thác tháng 8/2021 ước tính 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng ước tính 443,8 nghìn tấn, giảm 4,1% so với tháng 8/2020. Trong đó, cá đạt 292,5 nghìn tấn; tôm đạt 109,7 nghìn tấn.
Tính chung 8 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.692,5 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: nuôi trồng đạt 2.987,7 nghìn tấn (tăng 1,8%); khai thác đạt 2.704,8 nghìn tấn, tăng 0,8%.

Nông nghiệp vượt khó để duy trì sản lượng - Ảnh 3Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản duy trì hoạt động với công suất thấp ở mức 45-50% so với bình thường.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, việc các doanh nghiệp tạm dừng hoặc bỏ nhiều đơn hàng, đang khiến thủy sản Việt đối mặt với nguy cơ mất thị trường ở châu Âu và Nam Mỹ. Nếu đã mất thì việc kết nối lại với đối tác ở các thị trường này là vô cùng khó khăn.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang diễn ra phức tạp như hiện tại thì không thể nói trước được điều gì. Nếu trong tháng 9, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp được nối lại thì việc duy trì đà tăng trưởng của ngành là không khó.
Vì ở thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản tại các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… đang phục hồi rất tốt. Ngược lại, nếu tình trạng hiện tại vẫn không có sự chuyển biến sẽ khó ngăn được đà sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu của ngành trong thời gian còn lại của năm 2021.

Nguồn: economy.vn