Trong mấy năm qua, Sri Lanka đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau để tự cung tự cấp trong sản xuất lúa gạo, chẳng hạn như quy định mức giá tối thiểu, trợ cấp phân bón… Tuy nhiên, vào tháng 4 năm 2021, chính phủ Sri Lanka tuyên bố cấm phân bón vô cơ và các hóa chất nông nghiệp khác.
Trong chính sách chuyển đổi chiến lược quốc gia sang canh tác hữu cơ này, các nhà sản xuất lúa gạo không có đủ các yếu tố đầu vào thay thế kịp thời thực hiện quy định mới. Lệnh cấm sau đó đã được dỡ bỏ vào tháng 11, nhưng việc thiếu phân bón đã ảnh hưởng đến sản lượng vụ lúa maha, chiếm gần 2/3 sản lượng hàng năm. Do nguồn cung đầu vào hạn chế nên sản lượng giảm, với vụ mùa 2021/22 dự báo sẽ thấp hơn 14% so với năm trước.
Nền kinh tế Sri Lanka đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô liên quan đến đại dịch Covid-19. Vào tháng 4 năm 2020, chính phủ đã công bố hạn chế nhập khẩu các mặt hàng bao gồm cả gạo. Do sản lượng trong nước giảm đúng vào thời điểm hạn chế nhập khẩu, giá gạo tại Sri Lanka đã tăng vọt lên 790 USD/tấn trong tháng 1/2022, cao hơn 52% so với tháng 9/2021.
Để giảm giá trong nước, chính phủ đã hạ thuế nhập khẩu để tạo điều kiện cho Tổng công ty Thương mại Nhà nước Sri Lanka nhập khẩu gạo. Nước này đã bắt đầu đàm phán các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ để nhập khẩu loại lương thực thiết yếu này. Một số thỏa thuận đã được thực hiện với Ấn Độ và Myanmar, hai quốc gia xuất khẩu gạo truyền thống của Sri Lanka. Ngoài ra, Sri Lanka cũng đề xuất nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Trung Quốc.

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo USDA)