Dầu thực vật
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 10/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch giảm 23 ringgit, tương đương 0,22% xuống 4.039 ringgit (887,69 USD)/tấn. Giờ nghỉ trưa, hợp đồng này chốt ở 3.980 ringgit (876,46 USD)/tấn.
Đồng ringgit tăng giá 0,71% so với đồng USD. Đồng ringgit mạnh hơn khiến dầu cọ trở nên đắt đỏ cho các khách mua nước ngoài.
Theo nhà khảo sát hàng hoá AmSpec Agri Malaysia, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của nước này trong 25 ngày đầu tháng 7/2023 đã tăng 10,8% so với tháng trước lên 987.414 tấn. Còn dữ liệu từ công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services chỉ ra xuất khẩu tăng 17,8% trong cùng kỳ.
Giá dầu giảm trong đầu phiên giao dịch do lo ngại về nhu cầu, khiến dầu cọ trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn cho nguyên liệu dầu diesel sinh học.
Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 0,27%. Trên sàn giao dịch Đại Liên, giá dầu đậu tương giảm 0,99% và giá dầu cọ giảm 2,16%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Đường
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn ICE tăng 0,04 cent, tương đương 0,2% lên mức 24,43 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 22/6 ở 25,3 US cent/lb. Giá đường trắng giao tháng 10/2023 trên sàn London thay đổi nhẹ ở mức 686,5 USD/tấn.
Theo nhà môi giới StoneX, sản lượng đường của Brazil - nhà sản xuất hàng đầu trong niên vụ 2023/24 đạt 38,3 triệu tấn, tăng 13,9% so với vụ trước.
Ấn Độ, nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu lớn trong những năm gần đây, có thể sẽ đóng vai trò thứ yếu hơn trên thị trường xuất khẩu trong thời gian tới khi chương trình sản xuát ethanol bổ sung của chính phủ tiếp tục được mở rộng.
Theo đó, nhiều nhà máy ethanol bắt đầu sản xuất nhiên liệu này, nhiều mía hơn được sử dụng để sản xuất ethanol, giảm bớt sản lượng đường.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tỷ lệ pha trộn ethanol của Ấn Độ đã đạt 11,5%, trong khi mục tiêu của chính phủ nước này là đạt 20% vào năm 2025.
Công ty nghiên cứu BMI, một đơn vị của Fitch Solutions, lưu ý rằng Indonesia cũng đang quay trở lại chương trình pha trộn ethanol với tỷ lệ ban đầu là 5% và mục tiêu đạt 10% vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, Indonesia cần tăng mạnh diện tích trồng mía.
Indonesia không phải là nước xuất khẩu đường thường xuyên, vì vậy BMI cho biết chương trình này có thể sẽ không hỗ trợ thêm cho giá đường toàn cầu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters