Giá lúa tăng giảm trái chiều
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá có sự tăng nhẹ trở lại như: ST 24 có giá 8.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá lúa cũng có sự tăng ở một số loại như: IR 50404 là 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 7.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; riêng RVT giữ ổn định 8.200 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Bến Tre, nhiều loại lúa có sự giảm giá như: IR 50404 còn 5.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM4218 là 5.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 6976 là 5.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg và OM 5451 cũng có mức giảm tương tự còn 5.600 đồng/kg.
Giá lúa tại Cần Thơ vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Giá một số loại lúa tại Đồng Tháp ghi nhận sự ổn định như: IR 50404 là 6.500 đồng/kg, OM 6976 là 6.500 đồng/kg.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 415 - 420 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động giao dịch trầm lắng do nhu cầu gạo trắng suy yếu, nhu cầu đối với gạo thơm vẫn tương đối cao.
Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ không biến động trong tuần này, do lo ngại về sản lượng trong nước, giữa bối cảnh lượng mưa thấp đã ngăn cản các nhà xuất khẩu giảm giá chào mua ngũ cốc, bất chấp đồng rupee lao dốc.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bán ra ở mức từ 361 - 366 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, ở bang Andhra Pradesh cho biết: “Việc trồng lúa không tiến triển tốt. Cần phải thu hoạch sau hai tuần nữa, nếu không, sản lượng có thể giảm mạnh”.
Giá phân ure dự đoán khó có thể giảm hơn nữa
Ngày 18/7, giá phân ure tại Trung Quốc là 395 USD/tấn, tăng nhẹ 1,2% so với cuối tuần trước. Giá phân ure trong nước hiện giữ ở mức ổn định hơn 1 tháng qua.
Với mức giá 395 USD/tấn, giá phân ure đã đảo chiều so với diễn biến từ ngày 10/6. Tuy nhiên, giá này hiện vẫn thấp hơn ngày 10/7 khoảng 4%.
Theo Hiệp hội Phân bón Thế giới (IFA), công suất thiết kế của nhà máy đạm ure trên thế giới đã là 216 triệu tấn, và công suất hoạt động trung bình ở mức 80%. Nếu so với năm 2021, công suất đạt 78,6%, nên nguồn cung hiện giờ đã không còn thiếu hụt như trước.
Các chuyên gia cho biết, nhu cầu phân bón toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi trong khoảng 1,2% đến 1,9% vào năm 2023. Điều này chủ yếu là do sản lượng nông nghiệp tăng trở lại sau đại dịch. Ngoài ra, do tình trạng thiếu lương thực do xung đột Nga-Ukraine gây ra, nhiều nước đang tăng diện tích cung cấp lương thực thay vì nhập khẩu như trước đây. Chính vì thế, trước diễn biến giảm giá của phân bón ure trong nước và thế giới hiện nay trong hơn 1 tháng trở lại đây, dự đoán khó có thể giảm hơn nữa.
Ghi nhận ngày 18/7 tại thị trường Đông Nam Bộ, giá ure Cà Mau khoảng 800.000đ-810.000đ/bao, ure Phú Mỹ 790.000đ – 800.000đ/bao. Tại khu vực miền Bắc, ure Hà Bắc 780.000đ – 800.000đ/bao, ure Phú Mỹ 785.000đ - 805.000đ/bao.
Trong khi đó, giá photpho vàng, nguyên liệu trong sản xuất phân bón nhập khẩu giảm 0,5% so với cuối tuần trước và giao dịch ở 33.500 nhân dân tệ/tấn (4.964 USD/tấn).
Trái ngược lại với giá ure, thị trường vẫn ghi nhận giá phân DAP tăng liên tục từ tháng 4 đến nay. Giá phân bón DAP ghi nhận ở mức cao, hiện giao dịch ở 4.700 nhân dân tệ/tấn (694 USD/tấn). Giá DAP đã liên tục tăng từ giữa tháng 4 và hiện cao hơn giữa tháng 4 khoảng 30%. Hiện mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cả ở thị trường thế giới và trong nước.
Tương tự như DAP, giá kali cũng liên tục tăng cao và lập đỉnh trong thời gian gần đây. Hiện trong nước phải nhập khấu hoàn toàn kali.
Giá tiêu hôm nay 19/7 đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 66.500 – 69.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 66.500 – 69.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu tại Vũng Tàu đang được thương lái thu mua ở mức 69.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức 66.500 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 68.500 đồng/kg. Tại Bà Rịa Vũng tàu, giá tiêu đứng ở mức 69.500 đồng/kg – mức cao nhất thị trường.
Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đánh giá, thị trường tuần này cho thấy triển vọng tiêu cực, không có quốc gia nào được báo cáo với mức tăng. Thị trường đang bi quan trước cuộc họp tháng của Fed dự kiến ngày 26 - 27/7. Việc Fed tăng lãi suất tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa nói chung và giá tiêu nói riêng.
Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, từ nhiều năm nay các địa phương đã thay đổi phương thức canh tác hồ tiêu, hướng đến sự ổn định, đầu ra bền vững.
Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có mặt hàng hồ tiêu và gia vị khi 100% dòng thuế của gia vị tại Chương 9 được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Việc này giúp hồ tiêu Việt có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ như Brazil và Indonesia.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của EU tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hồ tiêu Việt Nam gia tăng thị phần ở thị trường này.
 
 

 

Nguồn: VITIC/Baocongthuong