Giá gạo nguyên liệu IR 504 tăng 50 đồng/kg lên 10.250 đồng/kg; giá gạo thành phẩm IR 504 ở 11.450 đồng/kg tăng 50 đồng/kg; giá gạo tấm 1 IR 504 ổn định ở mức 9.900 đồng/kg; giá cám vàng ở 7.350 đồng/kg.

Thị trường lúa gạo ngày 20/2

ĐVT: đồng/kg

Chủng loại

Ngày 20/2

Thay đổi so với ngày 19/2

NL IR 504

10.250

+50

TP IR 504

11.450

+50

Tấm 1 IR 504

9.900

0

Cám vàng

7.350

0

Nhiều mặt hàng nếp tươi giảm nhẹ 50 - 100 đồng/kg, trong khi đó giá nếp khô duy trì ổn định.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 505 - 510 USD/tấn. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, cho biết hiện giá gạo OM 5451 đang dao động từ 530 - 535 USD/tấn, gạo ĐT8 dao động từ 550 - 550 USD/tấn, Jasmine khoảng 570 USD/tấn.
Thị trường gạo xuất khẩu đang có nhiều khách hàng song do nguồn hạn chế nên các doanh nghiệp chưa vội ký hợp đồng, vì cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm là vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, khi đó nguồn cung lúa sẽ dồi dào, giá lúa có thể sẽ giảm nhẹ so với hiện tại.
Cần Thơ: Sản xuất lúa gạo đáp ứng nhu cầu thị trường
Để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, bên cạnh hỗ trợ nông dân thực hiện hiệu quả việc thâm canh tăng vụ, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất các loại lúa cho gạo thơm, ngon và chất lượng cao. Đồng thời, giảm tỷ lệ gieo sạ các loại lúa cho gạo cấp thấp và trung bình. Hiện nay, nông dân tại TP Cần Thơ đã trồng được rất nhiều loại lúa cho gạo thơm, ngon như: Jasmine 85, VD 20, Đài thơm 8, RVT, Nàng Hoa, KDM, các giống lúa ST, lúa Nhật, lúa gạo đen, lúa nếp… Nhiều loại lúa giống OM cho gạo chất lượng cao do Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, lai tạo giống cũng đã được nông dân lựa chọn để đẩy mạnh sản xuất.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Năm 2020, TP Cần Thơ đã gieo trồng lúa trong 3 vụ đạt tổng diện tích hơn 222.999ha, vượt 4,17% so với kế hoạch, với sản lượng đạt hơn 1,389 triệu tấn, vượt 6,67% kế hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, các giống lúa chất lượng cao được nông dân sử dụng trong từng vụ chiếm trên 70%. Năm 2020, diện tích sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP là 23,8ha tại Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ, nâng tổng diện tích lúa đạt theo tiêu chuẩn này tại thành phố lên 360ha và 100ha sản xuất lúa đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Thành phố đã duy trì và mở rộng 131 mô hình CĐL, với tổng diện tích 31.793ha, với 23.311 hộ dân tham gia. Nông dân tham gia CĐL được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến, có 40% diện tích thực hiện CĐL được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường ít nhất từ 50-150 đồng/kg đối với lúa hàng hóa và 300-400 đồng/kg với lúa giống.
Những năm qua, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã liên kết với nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL để thực hiện mô hình CĐL với tổng diện tích đạt từ 6.000-7.000ha/năm trở lên. Công ty cũng đã đầu tư, đổi mới hầu hết các máy móc, từ sấy bằng công nghệ sấy tháp để hạt lúa không bị hôi khói, đến áp dụng các băng chuyền, hệ thống tách màu, lau bóng gạo và đóng gói tự động… và hiện có khả năng chế biến gạo cả ngàn tấn mỗi ngày. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chính nhờ có nguồn nguyên liệu chất lượng cao tại các CĐL và quan tâm đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến gạo để nâng cao chất lượng mà công ty đã có nhiều sản phẩm gạo thơm ngon, chất lượng cao, an toàn và có xuất xứ rõ ràng để có thể xuất khẩu được với giá cao vào các thị trường khó tính. Năm 2020, công ty đã xuất khẩu được nhiều loại gạo thơm ngon sang thị trường EU với giá lên đến hơn 1.000 USD/tấn. Công ty cũng chú trọng sản xuất và đưa ra thị trường nội địa nhiều sản phẩm gạo thơm, ngon, có bao bì, nhãn hiệu và đóng gói theo nhiều quy cách trọng lượng khác nhau để mang đến sự tiện dụng cho người tiêu dùng.
Mô hình CĐL được thành phố triển khai thực hiện từ vụ hè thu 2011 tại huyện Vĩnh Thạnh của TP Cần Thơ, với diện tích ban đầu chỉ 400ha, nhưng đến nay đã tăng lên ở mức trên dưới 30.000ha/vụ là một tín hiệu rất đáng mừng. CĐL không chỉ góp phần giúp nông dân nâng cao được hiệu quả sản xuất mà còn giúp các đơn vị, doanh nghiệp có được các vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phát huy các kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang tiếp tục quan tâm khuyến khích, thúc đẩy nông dân liên kết, mở rộng các CĐL và vùng nguyên liệu lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô lớn gắn với hợp đồng tiêu thụ của doanh nghiệp.

Nguồn: VITIC