Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy giá lúa tại Sóc Trăng duy trì ổn định như OM 4900 là 6.700 đồng/kg, ST 24 là 8.100 đồng/kg. Riêng Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa ST tăng 100 đồng/kg, lên 7.000 đồng/kg; IR 50404 là 5.600 đồng/kg.
Lúa OM 18 tại Hậu Giang cũng tăng 100 đồng/kg lên 6.500 đồng/kg, riêng RVT vẫn ổn định ở mức 8.500 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa tuần qua không có biến động. Lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.
Tuy nhiên, lúa ở Tiền Giang tiếp tục có sự giảm giá ở một vài loại như IR 50404 giảm 100 đồng/kg còn 6.600 đồng/kg; Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 7.400 đồng/kg; riêng OC 10 giảm 300 đồng/kg còn 6.200 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa tươi tại tỉnh hầu hết có sự ổn định so với tuần trước, như lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600-5.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.600-5.800 đồng/kg, OM 18 từ 5.600-5.700 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.300-5.500 đồng/kg. Riêng lúa OM 5451 từ 5.400-5.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này do nhu cầu mạnh mẽ. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới lại giảm do đồng rupee lao dốc và nguồn cung được cải thiện.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống còn từ 374-382 USD/tấn từ mức của tuần trước là 376- 384 USD/tấn, trong bối cảnh đồng rupee lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, làm tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán ra nước ngoài.
Nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, trong tuần qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã điều chỉnh thêm 5 USD/tấn lên mức cao nhất thế giới. Giá chào bán gạo xuất khẩu cuối tháng 10, đầu tháng 11 mức 455 - 450 USD /tấn (FOB), hàng container, cao hơn gạo của Thái Lan khoảng 10 USD/tấn.
Không chỉ tăng sản lượng ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam còn đang muốn bứt phá trong cuộc đua về giá trị. Hiện nay hơn 80% sản lượng gạo của Việt Nam có chất lượng cao, chính điều này đã giúp người tiêu dùng nội địa không còn phải đi mua các loại gạo thơm, gạo tám từ Thái Lan về sử dụng. Thậm chí đã có những tấn gạo được xuất khẩu với giá từ 800 đến 1000 USD/tấn.
Không chỉ có mặt tại các siêu thị lớn và được rất nhiều người Việt Nam tin dùng và lựa chọn. Gạo ST 24,25 của ông Hồ Quang Cua sắp tới đây sẽ có mặt tại Australi và được bảo hộ nhãn hiệu 10 năm ở thị trường này. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo nổi tiếng của Việt Nam được bảo hộ nhãn hiệu riêng doanh nghiệp với thời gian dài tại đây. Điều này cũng mở ra triển vọng lâu dài cho gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới. Cùng với thị trường Australia, năm ngoái gạo ST25 cũng đã được EU và Anh cấp bằng bảo hộ thương hiệu "Gạo Ông Cua".

 

Nguồn: VITIC/Baocongthuong/TTXVN