Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu hôm nay giảm nhẹ so với hôm trước đó, nhưng vẫn đứng ở mức cao so với cuối tuần qua, giá lúa tại An Giang ổn định.
Gạo nguyên liệu IR 504 hè thu giảm nhẹ 150 đồng/kg, ở mức 8.850 đồng/kg, loại gạo thành phẩm IR 504 hè thu 10.400 đồng/kg, giảm nhẹ 50 đồng/kg; tấm 1 IR 504 hè thu ổn định ở mức 9.000 - 9.100 đồng/kg, và cám vàng ổn định ở 5.800 đồng/kg.

Giá lúa gạo ngày 9/9/2020

ĐVT: đồng/kg

Chủng loại

Ngày 9/9/2020

Thay đổi so với ngày 7/9/2020

NL IR 504

8.850

-150

TP IR 504

10.400

-50

Tấm 1 IR 504

9.000-9.100

0

Cám vàng

5.800

0

Giá lúa gạo tại An Giang ngày 9/9/2020

ĐVT: đồng/kg

Tên mặt hàng

Ngày 9/9/2020

- Nếp vỏ tươi

6.000 - 6.300

- Lúa Jasmine

6.200 - 6.300

- Lúa IR 50404

5.900 - 6.100

- Lúa OM 9577

6.000 - 6.300

- Lúa OM 9582

6.000 - 6.300

- Lúa Đài thơm 8

6.100 - 6.400

- Lúa OM 5451

5.950 - 6.200

- Lúa Nàng Hoa 9

-

- Lúa OM 4218

-

- Lúa OM 6976

6.000 - 6.300

- Lúa Nhật

7.000 - 7.500

- Lúa Nàng Nhen (khô)

10.000

- Lúa IR 50404 (khô)

7.000

- Nếp ruột

13.000 - 14.000

- Gạo thường

11.500

- Gạo Nàng Nhen

16.000

- Gạo thơm thái hạt dài

18.000 - 19.000

- Gạo thơm Jasmine

15.000 - 15.500

- Gạo Hương Lài

19.200

- Gạo trắng thông dụng

11.500

- Gạo Sóc thường

14.500

- Gạo thơm Đài Loan trong

21.200

- Gạo Nàng Hoa

15.500

- Gạo Sóc Thái

17.500

- Tấm thường

12.500

- Tấm thơm

13.500

- Tấm lài

10.500

- Gạo Nhật

22.500

- Cám

6.000 - 6.200

Tại ĐBSCL: Giá lúa cao, nông dân đẩy mạnh sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.900 - 6.100 đồng/kg, tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng ổn định, cụ thể Jasmine từ 6.200 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.950 - 6.300 đồng/kg.

Những ngày này, nông dân vùng ĐBSCL đang thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu trong điều kiện thuận lợi bởi giá ở mức cao, đảm bảo có lãi khá. Lúa gạo được giá và hút hàng, trong khi mùa lũ năm 2020 dự báo ở mức thấp, đây là cơ hội tốt để nông dân gia tăng sản xuất lúa Thu đông.
Tăng cường sản xuất
Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tính đến đầu tháng 9-2020, nông dân các huyện thu hoạch khoảng 227.000ha lúa Hè thu đạt 98% kế hoạch, năng suất bình quân 5,7-5,9 tấn/ha. Điều phấn khởi là lúa vừa thu hoạch xong thì thương lái đến thu mua giống IR 50404 tại ruộng từ 5.800-6.100 đồng/kg, lúa Đài thơm từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa Jasmine khoảng 6.300 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.000-7.500 đồng/kg… với giá này nông dân đạt lợi nhuận từ 20-25 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Được giá và dễ tiêu thụ nên sau khi thu hoạch lúa Hè thu, nông dân An Giang nhanh chóng làm đất để sản xuất vụ Thu đông. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho hay: “Chúng tôi lên kế hoạch sản xuất hơn 161.500ha lúa Thu đông và đến nay xuống giống được 106.000ha, số diện tích còn lại đang tiếp tục gieo sạ…”.
Tại Kiên Giang, toàn tỉnh sản xuất hơn 283.000ha lúa Hè thu và nông dân thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Do năm 2020 lũ ở ĐBSCL về muộn và dự báo không cao; vì vậy ngành chức năng tỉnh quyết định mở rộng diện tích lúa Thu đông lên gần 83.000ha, tăng hơn 14% kế hoạch.
Ở tỉnh Đồng Tháp, nếu như vụ Thu đông năm 2019 toàn tỉnh sản xuất hơn 118.000ha, sản lượng thu về khoảng 674.000 tấn thì vụ Thu đông này nâng diện tích lúa lên 138.000ha, sản lượng ước đạt 800.000 tấn. Các huyện Tháp Mười, Tam Nông, Lấp Vò, Cao Lãnh, Thanh Bình… là những nơi sản xuất lúa Thu đông chủ lực của tỉnh.
Tại tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Thu đông được nông dân xuống giống ước đạt khoảng 41.000ha, hiện lúa từ giai đoạn mạ cho đến trổ chín. Ở vụ lúa Hè thu, nông dân Hậu Giang cũng thu hoạch khoảng 95% trong tổng số 77.339ha xuống giống, năng suất bình quân đạt 6,36 tấn/ha.
Điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu đông
Bộ NN&PTNT cho rằng, tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa đang có lợi cho nông dân, bởi khả năng xuất khẩu tốt. Mùa nước lũ ở ĐBSCL năm 2020 được dự báo thấp hơn trung bình hàng năm nên áp lực bảo vệ lúa ở các vùng đê bao lửng không cao. Ngoài ra, mùa mưa đến muộn nhưng kết thúc sớm tạo khung thời gian sản xuất thuận lợi… Thống kê cho thấy, toàn vùng ĐBSCL có 4.130 ô bao kiểm soát lũ với diện tích 1 triệu héc-ta; trong đó kiểm soát lũ an toàn là 3.656 ô bao, diện tích 903.000ha. Việc sản xuất lúa Thu đông tập trung chủ yếu trong vùng đê bao kiểm soát lũ nên sẽ an toàn.
Từ những nhận định trên, Cục Trồng trọt cho biết phương án sản xuất 800.000ha lúa Thu đông năm 2020 tăng 75.800ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn là hợp lý với thực tế hiện nay. Phương án này vừa đảm bảo được lợi nhuận tốt do lúa thương phẩm bán được giá cao, đồng thời bù đắp một phần sản lượng lúa bị thiếu hụt trong vụ Đông xuân trước do ảnh hưởng hạn, mặn. Các địa phương cần ưu tiên sử dụng giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 20-30%, giống lúa chủ lực xuất khẩu chiếm tỷ lệ 50-60%, hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình chỉ khoảng 10-20%... Những ngày qua, nông dân ĐBSCL đã xuống giống khoảng 600.000ha và sẽ dứt điểm gieo sạ vào giữa tháng 9-2020.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trong 5 năm gần đây diện tích sản xuất lúa Thu đông ở ĐBSCL bình quân đạt 750.000 ha/năm; riêng năm 2016 cao nhất là 825.000ha. Hiện tại, nếu điều kiện tốt thì toàn vùng ĐBSCL chỉ mở rộng diện tích lúa Thu đông khoảng 900.000ha. Nguyên nhân do nhiều địa phương đã chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng khác; trong khi một số tỉnh như Kiên Giang, Long An… có thể tăng diện tích lúa Thu đông nhưng hệ thống đê bao chống lũ chưa đảm bảo. Giải pháp tới đây là nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giảm quy mô diện tích vụ lúa Hè thu và tăng quy mô lúa Thu đông một cách hợp lý.
Theo Cục Trồng trọt, hàng năm ở ĐBSCL sản xuất khoảng 1,5-1,6 triệu héc-ta lúa Đông xuân; từ 1,5- 1,6 triệu héc-ta lúa Hè thu; khoảng 750.000ha lúa Thu đông. Dự kiến tới đây sẽ chuyển từ 200.000- 400.000ha lúa Hè thu trở lên ở những vùng gieo sạ muộn do ảnh hưởng nguồn nước, để chuyển sang cho vụ Thu đông nhằm thuận lợi trong chỉ đạo sản xuất, phòng trị bệnh… Về cơ bản, tổng diện tích sản xuất không thay đổi.

Nguồn: VITIC