Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Hậu Giang, giá lúa tăng ở một số loại như: IR 50404 là 7.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 7.900 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; RVT là 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa OM 4218 tăng 100 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg; các loại khác vẫn ổn định như IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì đi ngang như: ST 24 là 8.300 đồng/kg; OM 4900 là 6.700 đồng/kg; Đài thơm 8 là 7.900 đồng/kg; OM 5451 là 7.700 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang ổn định ở một số loại như: Jasmine ở mức 7.200 đồng/kg; IR 50404 là 6.500 đồng/kg; riêng lúa OC10 giảm 200 đồng/kg ở mức 6.600 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.
Còn tại An Giang, tuần qua nhiều loại lúa tiếp tục có sự tăng giá. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.500 – 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.600 – 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400 – 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200 - 6.400 đồng/kg.
Với nếp vẫn có sự duy trì giá ổn định, tại An Giang có giá từ 6.000 – 6.200 đồng/kg; nếp Long An từ 6.500 – 6.700 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa Đông Xuân 2022-2023 ở các tỉnh Nam Bộ đã thu hoạch được 94% diện tích gieo trồng. Lúa Hè Thu 2023 đã xuống giống 532.367/1.479.536 ha. Nhiều diện tích lúa Hè Thu đã cho thu hoạch.
Về xuất khẩu, ngày 20/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495 - 500 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng từ mức từ 465 - 470 USD cách đây một tuần.
Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất của hai năm trong tuần này khi nguồn cung giảm, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu từ những khách hàng lớn, trong khi Bangladesh khuyến cáo người nông dân ở khu vực Đông Bắc cần thu hoạch lúa sớm hơn do đe dọa từ lũ quét.
Các thương nhân cho biết vụ thu hoạch Đông Xuân - vụ thu hoạch lớn nhất trong năm của Việt Nam gần kết thúc. Tuy nhiên, nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi nguồn cung trong nước đang xuống thấp.
Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, với giá gạo Việt Nam vẫn ở mức cao, nhiều khả năng những khách hàng bao gồm cả Philippines có thể giảm tốc thu mua.
Trong khi đó, gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ ở mức từ 382 - 388 USD/tấn, giảm từ mức 385 - 392 USD của tuần trước. Theo giới quan sát, sự sụt giảm này chủ yếu do đồng rupee mất giá.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang miền Nam Andhra Pradesh cho biết nhu cầu về gạo xuất khẩu của Ấn Độ khá ổn định. Những khách hàng châu Á cũng tích cực giao dịch trong vài ngày qua.
Tương tự, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được niêm yết ở mức 480 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 485 - 490 USD của tuần trước.
Thị trường tại nước này đang khá im ắng sau kỳ nghỉ Tết Songkran mừng năm mới của người Thái.
Trước đó trong tuần, người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan cho hay xuất khẩu gạo của nước này trong hai tháng đầu năm 2023 đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,4 triệu tấn.
Tại Bangladesh, các quan chức Bộ Nông nghiệp đang khuyến cáo người nông dân ở khu vực Đông Bắc cần nhanh chóng thu hoạch lúa vì nguy cơ xảy ra lũ quét do dự báo bang Meghalaya lân cận thuộc Ấn Độ sẽ xảy ra mưa lớn.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) phiên 21/4 đã giảm trên diện rộng, dẫn đầu là giá ngô.
Theo đó, giá ngô giao tháng 7/2023 giảm 10,75 xu (1,72%) xuống 6,1525 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng tháng giảm 7 xu (1,03%) xuống 6,73 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 19,5 xu (1,33%) xuống 14,49 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Trong khi đó, giá Ngô Brazil xuất FOB đang rẻ hơn 1 USD/bushel so với giá ngô vùng Vịnh Mexico, còn giá đậu tương rẻ hơn 3 USD/bushel.
Mức giá rẻ của đậu tương và ngô Brazil đã làm dấy lên tin đồn về Mỹ sẽ nhập khẩu các mặt hàng nông sản đó. Tuy nhiên, giới quan sát cho hay ngô từ Brazil sẽ chưa thể tác động đến nguồn cung ngô của Mỹ cho đến giữa tháng Tám.

Nguồn: VITIC/Baocongthuong/TTXVN