Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhiều loại lúa có sự tăng giá so với tuần trước như: Nàng Hoa 9 từ 6.400 - 6.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 18 từ 6.000 - 6.100 đồng/kg, tăng 100 đồng; IR 50404 ở mức từ 5.500 - 5.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng OM 5451 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg vẫn giữ ổn định.
Về giá các loại gạo ở An Giang vẫn duy trì ổn định, như: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 - 19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thường từ 11.500 - 12.500 đồng/kg.
Mới đây, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An được Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đưa thành công vào thị trường Nhật Bản. Gạo sẽ được nhập khẩu bởi Công ty Suntomi International và sau đó sẽ được Công ty Spice House phân phối trong các siêu thị và cửa hàng.
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long cho biết công ty đã đưa thị trường Nhật Bản vào kế hoạch xuất khẩu cách đây một năm khi lần đầu tiên cho ra mắt gạo ST25 tại thị trường nội địa. Khi tham gia vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp không đặt mục tiêu về số lượng mà muốn tiếp cận các đối tượng khách hàng cụ thể và lựa chọn đối tác thương mại phân phối bán lẻ có uy tín.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng cho biết, đơn vị đã hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn - "Cơm ViệtNam Rice" sang thị trường châu Âu trong tháng 6/2022.
Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các lô gạo xuất khẩu trước đó chỉ được phân phối dưới thương hiệu của đối tác các nước sở tại và đây là lần đầu tiên gạo do Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tuy số lượng không lớn nhưng việc các doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường, đặc biệt với thương hiệu riêng của chính doanh nghiệp Việt đã góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của lúa gạo và nông sản Việt trên toàn thế giới.
Về giá gạo xuất khẩu, tuần qua giá gạo 5% tấm Việt Nam chào bán ở mức từ 415 - 420 USD/tấn, giảm từ mức từ 418 - 423 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân nói: “Nguồn cung trong nước đang tăng khi hoạt động thu hoạch vụ Hè Thu đang diễn ra”.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm trong tuần này không thay đổi so với tuần trước, ở mức từ 355 - 360 USD/tấn. 
Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức từ 412 - 415 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 420 - 425 USD/tấn của tuần trước.
Bangladesh cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 62,5% xuống còn 25% và giới thương nhân cho biết một lượng lớn gạo sẽ đến từ quốc gia láng giềng Ấn Độ. Lũ lụt nguy hiểm tại Bangladesh làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng và khiến giá trong nước tăng đột biến, mặc dù đây là mùa thu hoạch cao điểm của vụ lúa lớn nhất của quốc gia Nam Á này.
Mặc dù Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, nhưng quốc gia này thường xuyên phải nhập khẩu lương thực để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai như lốc xoáy và lũ lụt.

Nguồn: Bích Hồng - Hà Chung (TTXVN)