Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa vẫn có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa lại không có sự thay đổi, như: IR 50404 là 5.800 đồng/kg; OM4218 là 5.900 đồng/kg; OM 6976 là 5.900 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, một số loại lúa giá vẫn giữ ổn định như: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; riêng OM 5451 là 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Một số loại lúa tại Hậu Giang có sự thay đổi so với tuần trước như IR 50404 là 6.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; RVT là 8.700 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; riêng OM 18 giữ nguyên là 7.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh có sự tăng giá như sau: IR 50404 ở mức từ 5.400-5.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.700-5.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Các loại khác giá vẫn ổn định như: lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800-6.000 đồng/kg, OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; OM 18 từ 5.800-5.900 đồng/kg.
Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.500-12.500 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu, các địa phương phía Nam đã xuống giống 1.290 nghìn ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 1.150,2 nghìn ha, tăng 5,9%; trong đó đã thu hoạch 73,7 nghìn ha với sản lượng khoảng 441,5 nghìn tấn.
Một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch trà sớm như: Long An đã thu hoạch được 38 nghìn ha; Đồng Tháp thu hoạch được 30 nghìn ha…
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức từ 420 - 425 USD/tấn, tăng từ mức 415 - 420 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân nói: "Các thương nhân đang tăng cường thu mua ngũ cốc từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng sắp tới".
Trong tháng 5, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 800 nghìn tấn với giá trị đạt 386 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,86 triệu tấn và 1,39 tỷ USD, tăng 10,3% về khối lượng nhưng giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2022 đạt 489 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 với 41,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 915,5 nghìn tấn và 422,2 triệu USD, tăng 28,3% về khối lượng và tăng 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Hoa Kỳ, tăng 62,6%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Gana, giảm 39,2%.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo đồ 5% tấm tăng lên mức từ 355 - 360 USD/tấn, cao hơn so với tuần trước.
Theo nguồn tin thương mại và chính phủ trong tuần vừa qua, Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo vì nước này có đủ dự trữ và tỷ giá trong nước thấp hơn mức giá hỗ trợ do nhà nước ấn định.
Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức từ 455- 460 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 450 USD/tấn của tuần trước, mà các thương nhân cho là do nhu cầu trong nước và quốc tế tăng nhẹ.

Nguồn: baotintuc.vn