Hạnh nhân thiếu nước tưới nghiêm trọng
Gia đình người nông dân Joe Del Bosque sở hữu một trang trại trồng hạnh nhân ở Thung lũng San Joaquin, thủ phủ nông nghiệp của bang California. Gần đây, nhiệt độ tăng vọt lên gần 40 độ C, đe dọa loại nông sản giàu lợi nhuận của California và buộc ông Del Bosque phải đích thân đi kiểm tra vườn cây.
Theo AP, ông Del Bosque không có đủ nước để tưới cho những cây hạnh nhân, vì vậy ông phải chấp nhận giảm lượng nước tưới tiêu cho khu vườn. Hơn nữa, người nông dân này còn phải bỏ không một phần ba trang trại để tiết kiệm nước cho vườn hạnh nhân.
Sau vụ thu hoạch cuối mùa hè vừa qua, có lẽ ông Del Bosque đã nhổ gốc hạnh nhân trên khoảng 40 ha đất trồng, sớm hơn nhiều năm so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, tổng diện tích trồng hạnh nhân của gia đình ông rơi vào khoảng 243 ha.
"Chúng tôi có thể phải bứng thêm một ít gốc hạnh nhân vào cuối năm nếu trang trại không đủ nước trong năm tới", ông Del Bosuqe cho hay. "Điều đó có nghĩa là khoản đầu tư khổng lồ mà chúng tôi rót vào những cây hạnh nhân sẽ bay biến".

Thủ phủ trồng hạnh nhân thế giới lâm nguy - Ảnh 1.

  Hạnh nhân khô héo vì thiếu nước tại thành phố Newman, bang California. (Ảnh: AP).

Trận hạn hán lịch sử trên khắp khu vực phía tây của nước Mỹ đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp hạnh nhân trị giá 6 tỷ USD của bang California. Hiện tại, California sản xuất khoảng 80% sản lượng hạt hạnh nhân trên thế giới. Sẽ ngày càng nhiều nông dân sẽ từ bỏ cây trồng này khi nước trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Hạnh nhân là loại cây trồng cần cực kỳ nhiều nước trong suốt cả năm. Giới khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã khiến miền tây của nước Mỹ trở nên khô hạn hơn trong 30 năm qua, và thời tiết sẽ càng khắc nghiệt hơn trong tương lai.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng hạnh nhân ở California đã tăng mạnh từ hơn 400.000 tấn vào năm 1995 lên mức kỷ lục 1,5 triệu tấn vào năm 2020. Trong cùng kỳ, diện tích đất trồng hạnh nhân cũng nhảy vọt từ hơn 195.000 ha lên hơn 647.000 ha.
Hồi tháng 5 năm nay, USDA dự đoán sản lượng hạnh nhân năm nay của California sẽ phá kỷ mới là hơn 1,6 triệu tấn. Song đến tháng 7, cơ quan này đã thu hẹp ước tính xuống còn khoảng 1,43 triệu tấn do tình trạng thiếu nước và nền nhiệt cao kỷ lục.
Hạnh nhân là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của California. Theo Hiệp hội Hạnh nhân California, các nhà máy trong bang xuất khẩu khoảng 70% hạnh nhân ra nước ngoài, với nhu cầu duy trì ổn định ở Ấn Độ, Đông Á và châu Âu.
Ông Richard Waycott, Chủ tịch kiêm CEO của Hiệp hội Hạnh nhân California đại diện cho hơn 7.600 nông dân và cơ sở chế biến, cho hay: "Rất nhiều người đang căng mình xoay xở cho đủ nước tưới cây".
"Hạn hán cực độ"
Sau khi giá hạnh nhân tăng phi mã trong đợt hạn hán giai đoạn 2012 - 2016, nông dân và các nhà đầu tư đã hồ hởi trồng thêm hàng chục nghìn ha hạnh nhân ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
"Diện tích đất trồng hạnh nhân và nhu cầu nước tưới gia tăng ngay tại thời điểm mà nguồn cung cấp nước hầu như không nhúc nhích", ông David Goldhamer, chuyên gia quản lý nước tại Đại học California, giải thích.
Cơn sốt trồng hạn nhân đã buộc chính quyền bang California phải tuyên bố đợt hạn hán thứ hai trong một thập kỷ. Tổ chức U.S. Drought Monitor báo cáo rằng 88% bang California đang trong tình trạng "hạn hán cực độ", trong đó Thung lũng Trung tâm là nghiêm trọng nhất.

Thủ phủ trồng hạnh nhân thế giới lâm nguy - Ảnh 2.

  Nước hồ Oroville cạn kiệt. (Ảnh: AP).

Hạn hán đã làm cạn kiệt các hồ chứa nước cho các trang trại ở Thung lũng Trung tâm. Đầu tháng 8, Shasta - hồ chứa nước lớn nhất bang California, chỉ còn khoảng 30% lượng nước, trong khi mực nước của hồ Oroville lớn thứ hai chỉ tương đương 24% so với bình thường.
Theo AP, các quan chức bang và liên bang đã giảm lượng nước tưới cho nông nghiệp, khiến nhiều nông dân phải từ bỏ trang trại hoặc chuyển sang trồng các cây trồng có giá trị cao nhưng tiêu tốn ít nước hơn.
Ông Jim Jasper - đồng sáng lập công ty chế biến hạnh nhân Stewart & Jasper Orchards (trụ sở tại thành phố Newman, California), cảnh báo: "Trồng hạnh nhân không còn tạo ra lợi nhuận tốt như trước. Sản lượng hạnh nhân trên toàn cầu sẽ bắt đầu sụt giảm".
Ông Jasper ước tính, khoảng 30% vườn hạnh nhận nhân tại California được trồng ở những khu vực không đủ nước tưới và nhiều trang trại sẽ không thể trụ vững trong đợt hạn hán năm nay. Một số hàng xóm của ông Jasper đã ngừng tưới cây và để hạnh nhân chết dần chết mòn.

Nguồn: https://doanhnghiep.kinhtechungkhoan.vn/thu-phu-trong-hanh-nhan-the-gioi-lam-nguy-4220212387192603.htm