Chiều 27-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Nông nghiệp xuất khẩu và xuất siêu kỷ lục
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 bên cạnh những thách thức, biến động mạnh của thị trường thế giới thì nắng nóng, mưa lũ lịch sử, hạn mặn và đặc biệt là cơn bão Yagi đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp hơn 31.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên ngành nông nghiệp cùng với cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân đã vượt khó để vừa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu nông sản để mang về ngoại tệ kỷ lục 62,5 tỉ USD, cao hơn năm trước 9,5 tỉ USD. Con số này vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao 7,5 tỉ USD.
Cùng với đó xuất siêu ngành nông nghiệp đạt kỷ lục mới 18,6 tỉ USD, trong khi giai đoạn 2015-2023, xuất siêu chỉ ở mức 6,5-12,2 tỉ USD.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm 3 thành tựu, kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm 2024.
Thứ nhất, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đặc biệt là việc tham mưu, tổ chức, thực hiện điều tiết, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập như hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình. Đồng thời nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, không để ai bị đói rét, thiếu nhà ở, học sinh thiếu trường lớp, nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão.
Thứ hai, ngành đã khẳng định tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Từ thị trường thế giới đứt gãy, trong nước thì sụt lún, khô hạn, ngập úng, bão gió nhưng ngành nông nghiệp vẫn vượt lên, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa xuất khẩu lương thực, trái cây, thủy sản,...
Thứ ba, ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà ngành cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là ngành chưa khai thác hết, chưa phát triển ngang tầm tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nền văn minh lúa nước.
Theo Thủ tướng, công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nhanh và bền vững còn hạn chế. Trong khi đây là những vấn đề rất quan trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải tập trung xây dựng thương hiệu và phải có thương hiệu.
Dẫn chứng cà phê Brazil có khi không ngon bằng cà phê Việt Nam, nhưng thương hiệu cà phê Brazil đã lan tỏa khắp thế giới mấy chục năm nay... Do đó, Thủ tướng trăn trở phải xây dựng thương hiệu làm sao để cà phê Việt Nam đánh bật cà phê Brazil.
"Nói đến cà phê người ta nghĩ ngay đến Brazil. Vậy nói đến cà phê người ta nghĩ tới Việt Nam chưa? Chưa được thì phải làm. Hạt tiêu, hạt điều đã nghĩ tới Việt Nam chưa, người ta chưa nghĩ tới thì mình phải làm" - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, khi có thương hiệu rồi thì phải có quy hoạch vùng nguyên liệu. Thứ ba phải có thị trường. Thứ tư chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì. Thứ năm là nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất.

Thủ tướng: Xây dựng thương hiệu nông sản để nhắc tới cà phê, hạt tiêu là nghĩ tới Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng Thủ tướng sản phẩm thủ công của làng đậu bạc Định Công (Hà Nội) với nội dung là chữ Nông trong câu "Dĩ nông vi bản" - Ảnh: TÙNG ĐINH
Tập trung sắp xếp, kiện toàn bộ máy ngành nông nghiệp
Về nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải xác định tăng tốc, bứt phá. Do đó ngành nông nghiệp phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5-4%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 70 tỉ USD,...
Về tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng trước hết yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để phát triển ngành nhanh, bền vững.
Hai là đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung triển khai kế hoạch phát triển ngành năm 2025 và sắp xếp kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy.
Thủ tướng lưu ý bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, hạn chế tối đa giao thoa, không để chồng chéo, cần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn, toàn diện hơn.
Phải tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát đầu ra. Bỏ khâu trung gian để tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
Tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo bộ máy sau khi sắp xếp thật sự tinh, gọn, mạnh, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Nguồn: Chí Tuệ/Tuổi trẻ Online