Trả lời phỏng vấn trang Undercurrent news, ông Jim Gulkin, Giám đốc điều hành của công ty thủy sản Siam Canadian có trụ sở tại Bangkok nhận định sau khi giá tôm chạm đỉnh 5 năm vào tháng 1, những tháng tiếp theo ngành tôm của Thái Lan bước vào giai đoạn khó khăn.
Ông Gulkin lưu ý rằng lạm phát đồng nghĩa là chi phí sản xuất tôm của Thái Lan cao hơn rõ rệt so các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và đặc biệt là Ecuador.
“Vì vậy, năng lực cạnh tranh của Thái Lan tại thị trường truyền thống như Mỹ rất khó khăn trong năm nay” ông nói. “Đây có lẽ là năm tồi tệ nhất từ trước đến nay xét về mặt bán hàng cho các thị trường Mỹ và Canada.”
Theo ông Gulkin, tôm Thái Lan đã bị loại khỏi thị trường châu Âu từ năm 2015 sau khi mất các đặc quyền thuế quan theo hệ thống ưu đãi chung, khiến việc bán hàng tôm của nước này phụ thuộc nhiều vào các thị trọng như Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Ông nói: “Vì vậy, năm nay Thái Lan gặp nhiều khó khăn, họ tập trung hơn nhiều vào việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và làm những thứ mà giá nguyên liệu thô ít ảnh hưởng hơn”.
“Tuy nhiên, khối lượng và tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng của Thái Lan hiện vẫn còn thấp so với những sản phẩm thô truyền thống.”
Tương tự như vậy, kể từ khi hoạt động buôn bán tôm của Ecuador với Trung Quốc bị ngừng lại do các lệnh hạn chế để chống dịch COVID-19 và một số công ty bị đưa vào danh sách đen, nhiều nhà chế biến của nước này đã bắt đầu tăng sản lượng sản phẩm giá trị gia tăng, nhằm vào thị trường Mỹ.
Điều này đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Mỹ không chỉ đối với tôm Thái Lan, mà cả tôm từ tất cả các nước sản xuất châu Á.
“Ở một vài khía cạnh, chúng tôi mong Trung Quốc sẽ gỡ bỏ lệnh cấm đối với tôm Ecuador. Điều này sẽ giúp giá tôm của Ecuador tăng lên và thị trường châu Á sẽ cạnh tranh hơn” Gulkin kết luận. “Sự mất cân bằng này là không tốt, vì Ecuador bán với giá thấp như vậy cũng không bền trong một thời gian dài”.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm đông lạnh nước này trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng do nhiều thành phố, đặc biệt Thượng Hải phải phong toả.
Theo đó, Trung Quốc nhập khẩu 50 nghìn tấn tôm đông lạnh trong tháng 4, giảm 18% so với tháng 3 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu giảm 16% so với tháng 3 còn 326 triệu USD.
Hai nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc là Ecuador và Ấn Độ đề ghi nhận mức giảm sâu do phát hiện virus Sars- CoV- 2 trên bao bì sản phẩm. Cụ thể, lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ Ecuador giảm 28% so với tháng 3 xuống 32 nghìn tấn. Nhập khẩu từ Ấn Độ giảm 30% còn 5.400 tấn.
Tuy nhiên, nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan tăng mạnh lần lượt 225% và 24% so với tháng 3 lên 5.400 tấn và 1.100 tấn.

Nguồn: doanhnghiep.vn