Trái cây, thủy sản… Việt Nam có lợi thế lớn tại thị trường Anh

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh (2013-2023)
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội vừa công bố Báo cáo Thương mại nông nghiệp Anh - Việt Nam với tiêu đề “Kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam trong nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống”. Báo cáo nhấn mạnh động lực thúc đẩy mối quan hệ thương mại nông nghiệp Vương quốc Anh - Việt Nam và xác định các cơ hội tăng trưởng tiềm năng cho ngành nông nghiệp của hai quốc gia.
Theo đó, với sự mở rộng nhanh chóng của các nhà hàng Việt Nam tại Anh, người tiêu dùng Anh cũng có thể thưởng thức nhiều loại nông sản Việt Nam đang được bày bán phong phú ở các siêu thị.
Tuy nhiên, hàng nông sản của Việt Nam vẫn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào Anh, hiện chiếm 4,8%. Thực trạng này cho thấy cơ hội tăng trưởng to lớn và quan trọng trong lĩnh vực nông sản và các mặt hàng liên quan, dự kiến sẽ đóng vai trò đáng kể hơn trong việc định hình quan hệ thương mại giữa Anh - Việt Nam.
Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực tháng 5/2021 là chất xúc tác cho trao đổi thương mại. UKVFTA mang tới nhiều cơ hội to lớn cho ngành nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống. Hầu hết các dòng sản phẩm thực phẩm và đồ uống hiện đang được hưởng lợi từ việc giảm dần và cuối cùng, loại bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm 2031 (tuân theo các hạn ngạch thuế quan liên quan).
Theo báo cáo, năm 2023, giá trị xuất khẩu cá và hải sản có vỏ của Việt Nam sang Anh đạt gần 300 triệu USD, đưa thủy sản trở thành nhóm sản phẩm đứng thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Anh. Tháng 1/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ xuất khẩu sang Anh chuyến hàng đầu tiên 7 tấn cam Cao Phong. Tiếp đó, vào tháng 5/2023, lô hàng 5 tấn sầu riêng Ri6 tiêu biểu của Việt Nam được phân phối đến các siêu thị trên khắp nước Anh.
Báo cáo cũng đưa ra nhận định, dù hàng nhập khẩu của Việt Nam hiện chỉ chiếm 1% trong tổng số 700 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm của Anh, nhưng sức mua cao và cộng đồng người Việt ở Anh ngày càng tăng là nền tảng cho sự tăng trưởng được bảo đảm trong tương lai. Hiện nay, Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở châu Âu.
Thêm vào đó, với việc Anh tham gia CPTPP, khả năng tiếp cận của nông sản Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi theo hướng giảm phát thải, áp dụng các quy trình hữu cơ và khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Những nỗ lực bảo vệ môi trường này sẽ tạo được thiện cảm với người tiêu dùng Anh, những người ưu tiên hàng có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức.
Ngoài ra, khi ẩm thực Việt Nam như phở hay bánh mì ngày càng phổ biến hơn với người Anh, chính phủ Việt Nam và các nhà xuất khẩu có thể làm tốt hơn để thúc đẩy các thương hiệu đã được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản Việt, tương tự như một số thương hiệu thực phẩm Anh như rượu whisky Scotland, Ahmad, Twinings, Cadbury và McVitie's đã thâm nhập thành công vào Việt Nam.
 

Nguồn: Haiquanonline