Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa thông tin, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đã lập kỷ lục lịch sử với 5,5 tỷ USD, hoàn thành xuất sắc mục tiêu của cả năm 2025.
Hiện Mỹ là thị trường trọng điểm xuất khẩu cà phê đặc sản phân khúc cao cấp, sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng và cà phê hòa tan. EU đang tìm cách mở ra các cơ hội hợp tác tại châu Á, Trung Đông. Vì vậy, cà phê Việt Nam có thể chuyển hướng sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan... Với thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), về lâu dài, ngành cà phê có thể chuyển hướng tập trung vào khu vực này, dẫn nguồn Vietnamnet.
Thời tiết tại Việt Nam – quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu – khá thuận lợi, với dự báo của USDA về sản lượng sẽ tăng 6,9% trong niên vụ mới 2025/26, đạt 31 triệu bao, mức cao nhất trong 4 năm. Sản lượng cà phê vụ 2025/26 của quốc gia sản xuất arabica lớn nhất thế giới Brazil được USDA dự báo tăng nhẹ 0,5% đạt 65 triệu bao.
USDA cũng dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2025/26 sẽ tăng 2,5% so với niên vụ trước, đạt mức kỷ lục 178,68 triệu bao. Trong đó, sản lượng arabica giảm 1,7% xuống còn 97,022 triệu bao, còn sản lượng robusta tăng 7,9% lên 81,658 triệu bao.
USDA dự báo xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu dự kiến tăng thêm 700.000 bao, lên 122,3 triệu bao, do mức tăng từ Việt Nam, Ethiopia và Indonesia đủ bù đắp phần sụt giảm từ Brazil và Colombia. Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ đạt kỷ lục mới 169,4 triệu bao; tồn kho cuối kỳ dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp, khoảng 22,8 triệu bao.
Trên thị trường thế giới, giá robusta LRCc2 trên sàn London giảm 41 USD, tương đương 1,1% xuống 3.620 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất một năm ở 3.459 USD/tấn. Giá arabica KCc2 trên sàn New York giảm 1,2% xuống còn 300,01 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 7 tháng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters, USDA