Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh dự báo bức tranh tươi sáng về cà phê trong năm 2025. Ông tin rằng, các nhà mua cà phê thế giới sẽ đổ xô sang Việt Nam, Indonesia để mua cà phê. Giá trị xuất khẩu mặt hàng này nhiều khả năng vượt mốc 6 tỷ USD, thậm chí lên tới 7 tỷ USD nếu cà phê sốt giá như năm 2024.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, đánh giá, niên vụ 2024/25 người trồng cà phê vẫn sẽ có cơ hội gia tăng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu bền vững, ông khuyến nghị doanh nghiệp hạn chế việc mua xa – bán xa. Đồng thời, tạo liên kết bền chặt với người nông dân để tạo ra những vườn cây có chất lượng cao, hướng đến phát triển bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam cũng được lưu ý tăng cường quảng bá cà phê robusta, như một giải pháp thay thế chất lượng với giá thành thấp hơn.
Hợp tác xã cà phê Brazil Cooxupe, đơn vị xuất khẩu hạt cà phê lớn nhất của đất nước, dự kiến sẽ nhận được ít hơn 10% cà phê từ người trồng trong năm 2025 này, do ảnh hưởng của thời tiết khô nóng từ năm ngoái khiến sản lượng ở các tiểu bang Minas Gerais và Sao Paulo sụt giảm, dù cho nông dân đã áp dụng biện pháp chăm sóc cây trồng tốt hơn.
Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết, nông dân Brazil đã bán 88% vụ mùa vụ 2024/25, tăng 79% so với thời điểm này vụ trước và cao hơn mức trung bình 5 năm là 82%.
Trên thị trường thế giới, sau nhiều phiên giảm đã hồi phục trở lại trên cả hai sàn giao dịch, do được hỗ trợ bởi tồn kho giảm và đầu cơ tăng mua trở lại. Giá robusta LRCc2 trên sàn London tăng 1,2% lên mức 5.791 USD/tấn. Giá arabica KCc2 trên sàn New York, được coi là giá chuẩn toàn cầu, tăng 3,8% chốt ở 420,55 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1,5 tuần khiến giá giảm xa mức cao kỷ lục 429,95 US cent/lb đạt được hồi tuần trước.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters, Báo NNVN