Tại Việt Nam, tàn dư của bão Wipha đã gây ra lượng mưa trên 25cm ở dọc khu vực bờ biển phía Bắc trong tuần này. Dù vậy, các vùng sản xuất cà phê chủ lực không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đợt mưa lớn này.
Số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê của nước ta trong nửa đầu tháng 7/2025 đạt 49.420 tấn, với trị giá 266,3 triẹu USD, tăng 43,2% về lượng và tăng 58,5% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá robusta LRCc2 trên sàn London tăng 49 USD, tương đương 1,48% lên mức 3.349 USD/tấn. Giá arabica KCc2 trên sàn New York tăng 3,5 cent, tương đương 1,16% chốt ở 304,85 US cent/lb.
Brazil hiện cung cấp khoảng 1/3 trong tổng 23 triệu bao cà phê Mỹ nhập khẩu mỗi năm. Nông dân nước này đang bước vào đỉnh điểm vụ thu hoạch, đã góp phần hỗ trợ cho nguồn cung toàn cầu dồi dào.
Theo báo cáo của hợp tác xã Cooxupé, tính đến ngày 18/7/2025, khoảng 59% sản lượng cà phê của Brazil đã được thu hoạch. Tuy nhiên, tiến độ này có thể bị ảnh hưởng bởi độ ẩm cao và tình trạng nhiều mây được dự báo sẽ gia tăng trong tuần. Trong khi đó, lượng cà phê arabica lưu kho được theo dõi bởi các sàn giao dịch liên tục giảm, cho thấy nguồn cung ngắn hạn đang dần thắt chặt.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới - Brazil - dự kiến duy trì sản lượng tăng nhẹ trong niên vụ 2025/26 (từ tháng 7/2025 - tháng 6/2026), ước đạt khoảng 65 triệu bao (loại 60kg), tăng 0,5% so với vụ trước. Tuy nhiên, USDA cho biết mức tăng này chủ yếu đến từ cà phê robusta, khi dự báo đạt 24,1 triệu bao, tăng 15% so với vụ trước. Còn với arabica, cơ quan này cho rằng sản lượng có thể giảm xuống 40,9 triệu bao, thấp hơn 6,4% so với vụ 2024/25, do thời tiết khô hạn, nhiệt độ cao kéo dài trong năm 2024 và ảnh hưởng của chu kỳ sản lượng thấp theo năm.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters, DN&KD