Tại thị trường nội địa, doanh số bán hàng chậm do nông dân chưa bằng lòng với mức giá hiện tại. Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, với 5% hạt đen & vỡ) được chào ở mức cộng 50 - 60 USD/tấn cho hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London, so với mức 60 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 200 USD/tấn cho các hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2021 và tháng 6/2021, không thay đổi so với cách đây 1 tuần. Một nhà giao dịch khác chào bán mức cộng 200 USD/tấn cho hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2021, giảm so với mức 230 USD/tấn 1 tuần trước. Nguồn cung tại Indonesia bắt đầu tăng lên khi vừa có một vụ thu hoạch nhỏ.
Tại thị trường thế giới, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London ở mức 1.354 USD/tấn; giá arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York chốt tại 129,15 US cent/lb. Giá cà hai sàn giao dịch đều tăng so với tuần trước đó với robusta tăng 0,82% và arabica tăng 1,49%.
Giá tăng trong sự thận trọng khi đồng real Brazil vẫn còn suy yếu và tồn kho arabica tăng liên tục trong 5 tháng qua.
Theo khảo sát của hãng tư vấn Safras & Mercado, tính đến ngày 13/4, nông dân Brazil đã bán được 90% sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 của nước này. Tốc độ thương mại năm nay nhỉnh hơn so với cùng kỳ niên vụ trước ở mức 89% và cao hơn so với trung bình 5 năm ở mức 88%.
Như vậy, đã có 62,8 triệu bao cà phê loại 60kg đã được Brazil thương mại hóa trong số 69,5 triệu bao sản lượng dự kiến trong niên vụ 2020/21.
Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 khiến các thành viên của khối Eurozone tiếp tục hạn chế các hoạt động xã hội. Pháp mở rộng giãn cách thêm 4 tuần, trong khi số người bị lây nhiễm tại Đức tăng vọt. Hàng quán đóng cửa, lo ngại tiêu thụ sụt giảm, kinh tế suy thoái trở lại là mối quan tâm của thị trường lúc này.
Rabobank lo ngại sự thiếu hụt container rổng để xuất khẩu kết hợp với sự sụt giảm sản lượng vụ mùa cà phê arabica năm nay có thể tác động tiêu cực lên lô hàng xuất khẩu của Brazil vào nửa cuối năm.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng của Ethiopia, một trong những quốc gia sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Brazil và Colombia. Nếu xu hướng này vẫn duy trì thì thị trường cà phê đặc sản của quốc gia này có thể chịu những tổn thất nặng nề, bởi nông dân khó có thể tiếp tục sản xuất cà phê arabica một cách hiệu quả, đe dọa đến nguồn cung arabica toàn cầu.

Nguồn: VITIC/Reuters