Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng gần 2 năm do nhu cầu mạnh và đồng rupee tăng giá. Gạo Việt Nam cũng tăng trong tuần này do việc thu hoạch mới chớm bắt đầu, nguồn cung chưa nhiều và tiền đồng cũng tăng giá.
Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện có giá 390- 394 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2019, và tăng đáng kể so với 385 - 391 USD/tấn cách đây một tuần.
Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu gạo ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, cho biết: "Khách hàng Châu Á và Châu Phi đang tích cực mua gạo Ấn Độ và mặc dù giá tăng thì gạo Ấn Độ vẫn rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan”.
Tuần này, gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên 505 – 510 USD/tấn, từ mức 500 – 505 USD/tấn cách đây một tuần, do nguồn cung không nhiều.
Reuters dẫn lời một thương gia ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mặc dù vụ Đông Xuân bắt đầu thu hoạch, song nguồn cung vẫn ở mức thấp. Hiện mới thu hoạch được khoảng 5 – 6% vụ mùa này, và phải đến cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 mới thu hoạch rộ”.
Các thương nhân cho hay, hoạt động mua bán diễn ra chậm vì khách hàng chờ đến vụ thu hoạch cao điểm.
Nguồn tin Reuters cho hay, Việt Nam tiếp tục mua gạo chất lượng thấp của Ấn Độ để sản xuất bia và thức ăn chăn nuôi.
Tại Thái Lan, giá gạo vẫn duy trì ở mức cao nhất trong vòng 9 tháng, nhưng các thương nhân hy vọng giá sẽ giảm nhẹ bởi đồng baht đang giảm trở lại so với USD.
Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này tăng nhẹ lên 520 – 530 USD/tấn, từ mức 520 – 526 USD/tấn của tuần trước.
“Thị trường (Thái Lan) tiếp tục vắng vẻ, song có khả năng hoạt động mua bán gạo sẽ sôi động dần trong thời gian tới vì giá gạo Việt Nam đang tăng lên gần sát gạo Thái Lan và đồng baht bắt đầu yếu đi”, Reuters dẫn lời một thương nhân ở Bangkok cho biết.
Về nhu cầu, Bangladesh đang tích cực mua gạo để bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước sau khi lũ lụt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ mùa năm ngoái. Nước này đang dự định mua 100.000 tấn gạo của Myanmar.
Trong khi đó, tại Philippines, sản lượng gạo năm 2020 ước tính đạt mức cao nhất trong lịch sử, là 19,3 triệu tấn, tăng 2,6% so với 18,8 triệu tấn năm 2019, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines. Đó là kết quả của việc sản lượng gạo trong quý II và III/2020 tăng mạnh, tăng lần lượt 7,1% và 15,2% so với cùng kỳ năm trước, bù lại cho sản lượng quý IV giảm 1,4%.