Tại khu vực ĐBSCL, giá lúa ghi nhận biến động nhẹ. Theo thông tin cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, lúa OM 380 (tươi) giảm 100 đồng/kg, hiện dao động từ 5.400 – 5.600 đồng/kg. Các giống lúa khác như Đài Thơm 8, OM 18, IR 50404 và OM 5451 duy trì mức giá ổn định, dao động từ 5.300 – 7.000 đồng/kg tùy loại. Lúa Nàng Hoa 9 hiện được giao dịch ở mức 6.650 – 6.750 đồng/kg.
Tại các địa phương như Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang, nguồn cung lúa Hè Thu hiện không dồi dào, hoạt động thu mua mới diễn ra rải rác, thương lái tỏ ra thận trọng, khiến giá lúa giữ mức ổn định.
Ở chiều ngược lại, giá gạo nguyên liệu có sự điều chỉnh tăng nhẹ. Gạo nguyên liệu IR 504 tăng 50 đồng/kg, hiện dao động từ 8.250 – 8.350 đồng/kg. Gạo OM 380, OM 18, CL 555 và OM 5451 có giá dao động từ 8.000 – 10.400 đồng/kg tùy loại. Gạo thành phẩm IR 504 và OM 380 giữ giá từ 8.800 – 9.700 đồng/kg.
Với nhóm phụ phẩm, giá tấm OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên mức 7.500 – 7.600 đồng/kg. Giá cám cũng dao động quanh mức 8.000 – 9.000 đồng/kg.
Tại một số địa phương như An Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang, thị trường gạo nguyên liệu Hè Thu diễn biến ổn định, tuy nhiên lượng giao dịch vẫn còn hạn chế. Nhiều khu vực ghi nhận tình trạng lượng hàng về ít, chủ yếu là gạo chất lượng trung bình, giao dịch trầm lắng, giá không biến động nhiều.
Ở các chợ bán lẻ, giá gạo tiêu dùng phổ biến không thay đổi so với hôm qua. Cụ thể, gạo Nàng Nhen có giá cao nhất ở mức 28.000 đồng/kg. Gạo thường dao động từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 16.000 – 18.000 đồng/kg, gạo thơm Thái hạt dài 20.000 – 22.000 đồng/kg, và gạo Nhật giữ mức 22.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam đi ngang so với ngày hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm đang ở mức 397 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 368 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 325 USD/tấn.
Dự báo trong thời gian tới, thị trường lúa gạo trong nước sẽ tiếp tục giữ xu hướng ổn định nếu thời tiết thuận lợi và nhu cầu từ thị trường quốc tế không có biến động đột ngột.