Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất cả nước – giá các loại gạo nguyên liệu tiếp tục duy trì đà tăng trong khi giá lúa tươi gần như không thay đổi. Theo thông tin cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, hiện giá lúa IR 50404 (tươi) dao động từ 5.700 đến 5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 từ 6.000 đến 6.200 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 ở mức 6.100 – 6.200 đồng/kg; lúa OM 18 từ 6.000 đến 6.200 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động từ 5.900 – 6.000 đồng/kg và lúa OM 308 từ 5.700 – 5.900 đồng/kg.
Ghi nhận tại các địa phương như Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang hay An Giang cho thấy không khí thu mua tương đối trầm lắng. Giao dịch diễn ra với tần suất thấp, thương lái hỏi mua lai rai trong khi nông dân giữ giá ổn định. Ở nhiều nơi, lượng lúa thu hoạch vẫn còn đều, song nhu cầu thu mua chưa tăng mạnh, khiến thị trường giữ ở trạng thái "cầm chừng".
Trái ngược với thị trường lúa, giá gạo nguyên liệu ghi nhận mức tăng rõ rệt. Tại An Giang, gạo nguyên liệu OM 380 tăng 200 đồng lên mức 7.900 – 8.000 đồng/kg; CL 555 tăng 300 đồng, hiện dao động trong khoảng 8.550 – 8.650 đồng/kg. Các loại gạo khác như OM 18 giữ giá ở mức cao 9.600 – 9.700 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.600 – 7.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 cũng duy trì ở ngưỡng 9.100 – 9.150 đồng/kg.
Ở mảng gạo thành phẩm, giá cũng duy trì ở mức cao. Gạo OM 380 dao động từ 8.800 – 9.000 đồng/kg; gạo IR 504 trong khoảng 9.500 – 9.700 đồng/kg.
Giá phụ phẩm trong ngày hôm nay cũng có biến động nhẹ. Tấm thơm IR504 tăng thêm 200 đồng, hiện dao động từ 7.300 – 7.500 đồng/kg. Giá cám ổn định trong khoảng 8.000 – 9.000 đồng/kg.
Tại các kho và chợ đầu mối khu vực Đồng Tháp như Sa Đéc hay Lấp Vò, hoạt động thu mua gạo nguyên liệu diễn ra với lượng vừa phải, giá giữ ổn định. Một số loại gạo như IR50404 và CL 555 tăng nhẹ do nhu cầu nội địa và xuất khẩu duy trì mức tốt. Trong khi đó, ở các khu vực như An Cư (Tiền Giang cũ), lượng hàng về ít, giao dịch chậm, giá không biến động nhiều.
Trên thị trường bán lẻ, giá gạo các loại tiếp tục đứng yên so với cuối tuần. Gạo Nàng Nhen vẫn giữ vị trí cao nhất với mức 28.000 đồng/kg. Các loại gạo phổ biến khác như Hương Lài (22.000 đồng/kg), Jasmine (16.000 – 18.000 đồng/kg), Nàng Hoa (21.000 đồng/kg), gạo Nhật (22.000 đồng/kg), gạo thơm Thái hạt dài (20.000 – 22.000 đồng/kg) và các loại gạo trắng thông dụng (13.000 – 16.000 đồng/kg) đều ổn định.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam không có biến động so với cuối tuần. Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm đang được chào bán ở mức 377 USD/tấn; gạo 25% tấm là 357 USD/tấn; trong khi gạo 100% tấm ở mức 317 USD/tấn.
Nhìn chung, thị trường lúa gạo trong nước ngày 22/7 diễn biến ổn định với điểm sáng nằm ở nhóm gạo nguyên liệu tăng giá. Trong khi đó, thị trường lúa tươi và các mặt hàng gạo thành phẩm duy trì trạng thái cân bằng, chờ tín hiệu tích cực hơn từ phía nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.
 

Nguồn: Vinanet/VITIC