Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 đã tăng 150 đồng/kg, hiện dao động trong khoảng từ 8.200 đến 8.250 đồng/kg. Gạo nguyên liệu CL 555 cũng tăng mạnh 200 đồng/kg, lên mức 8.600 đến 8.800 đồng/kg. Một số loại gạo khác như OM 18, OM 380 và 5451 giữ giá ổn định ở mức cao, trong đó OM 18 được giao dịch từ 10.200 đến 10.400 đồng/kg, OM 380 từ 7.700 đến 7.850 đồng/kg, còn 5451 dao động từ 9.600 đến 9.750 đồng/kg. Ở phân khúc thành phẩm, giá gạo OM 380 hiện ở mức 8.800 đến 9.000 đồng/kg, còn IR 504 dao động từ 9.500 đến 9.700 đồng/kg.
Giá các mặt hàng phụ phẩm như tấm và cám cũng tăng nhẹ. Cụ thể, tấm 2 tăng 100 đồng/kg, hiện được mua bán quanh mức 7.150 đến 7.250 đồng/kg. Giá cám gạo giữ ổn định trong khoảng từ 8.000 đến 9.000 đồng/kg, tùy loại và chất lượng.
Ghi nhận tại các địa phương như An Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang cho thấy, lượng hàng về khá hạn chế, giao dịch diễn ra chậm. Tại Lấp Vò (Đồng Tháp), giá các loại gạo nhìn chung ổn định. Kênh chợ Sa Đéc ghi nhận hoạt động mua bán ở mức lai rai, trong đó các kho lớn chủ yếu lựa chọn mua những loại gạo chất lượng cao. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), lượng hàng về ít, giao dịch chậm, tuy nhiên giá vẫn giữ vững.
Ở các chợ lẻ, mặt bằng giá gạo không có biến động đáng kể so với ngày hôm qua. Gạo Nàng Nhen tiếp tục giữ mức giá cao nhất trên thị trường, khoảng 28.000 đồng/kg. Các loại gạo khác như gạo thường có giá từ 13.000 đến 15.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine dao động trong khoảng 16.000 đến 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng giữ ở mức 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường khoảng 17.000 đồng/kg. Gạo thơm Thái hạt dài được bán từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg, gạo Hương Lài ở mức 22.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa khoảng 21.000 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan và Sóc Thái cùng có giá 20.000 đồng/kg. Gạo Nhật tiếp tục giữ mức cao 22.000 đồng/kg.
Về giá lúa, thị trường tiếp tục ổn định trong bối cảnh lúa Hè Thu bắt đầu được thu hoạch lai rai ở một số địa phương. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa OM 5451 (tươi) hiện dao động từ 6.400 đến 6.600 đồng/kg; lúa IR 50404 (tươi) ở mức 5.700 đến 6.000 đồng/kg; OM 18 (tươi) khoảng 6.800 đến 7.000 đồng/kg; Đài Thơm 8 (tươi) từ 6.900 đến 7.000 đồng/kg; OM 380 (tươi) ở mức 5.900 đến 6.000 đồng/kg và Nàng Hoa 9 dao động từ 6.650 đến 6.750 đồng/kg.
Tại An Giang, lúa Hè Thu cắt sớm đã xuất hiện, tuy nhiên giao dịch diễn ra chậm do nông dân chào bán với giá cao trong khi thương lái thận trọng mua vào. Tình hình tương tự cũng ghi nhận tại Kiên Giang và Long An. Nông dân ở Long An có xu hướng neo giá cao, trong khi các thương lái chủ yếu thu mua lúa đã đặt cọc từ trước, khiến thị trường diễn biến trầm lắng.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam giữ nguyên so với cuối tuần trước. Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm hiện ở mức 395 USD/tấn, gạo 25% tấm giữ mức 368 USD/tấn, còn gạo 100% tấm có giá 323 USD/tấn.
Tổng thể, dù giá gạo nguyên liệu trong nước có dấu hiệu bật tăng, nhưng thị trường vẫn duy trì nhịp giao dịch chậm, phản ánh tâm lý thận trọng của cả người bán và bên mua trong bối cảnh đầu vụ Hè Thu.

Nguồn: Vinanet/VITIC