Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa tươi ghi nhận biến động trong biên độ hẹp, tăng giảm từ 50 – 200 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, cụ thể giá một số loại lúa phổ biến như sau:
OM 18 (tươi) và Đài Thơm 8 (tươi): cùng giảm 50 đồng/kg, dao động 6.900 – 7.050 đồng/kg.
OM 5451 (tươi): tăng 200 đồng/kg, đạt 6.500 – 6.700 đồng/kg.
IR 50404 (tươi): tăng 100 đồng/kg, lên 5.800 – 6.000 đồng/kg.
OM 380 (tươi): ổn định ở mức 5.900 – 6.000 đồng/kg.
Nàng Hoa 9: không biến động, duy trì ở 6.650 – 6.750 đồng/kg.
Tình hình thu mua tại các địa phương vẫn chậm. Tại Sóc Trăng, Long An, An Giang và Bạc Liêu, nông dân bắt đầu chào bán lúa Hè Thu sớm nhưng thương lái chủ yếu gom hàng đã đặt cọc từ trước, chưa có dấu hiệu đẩy mạnh thu mua. Riêng tại Trà Vinh, lúa đã vãn đồng, giá giữ ổn định.
Giá gạo nguyên liệu và thành phẩm bật tăng, thị trường chợ lẻ giảm sâu
Trái ngược với giá lúa, mặt hàng gạo ghi nhận xu hướng tăng tại các nhà máy, đặc biệt với gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm:
Gạo nguyên liệu OM 18: tăng 100 đồng/kg, dao động 10.200 – 10.400 đồng/kg.
Gạo IR 504 nguyên liệu: tăng mạnh 150 đồng/kg, đạt 8.050 – 8.200 đồng/kg.
OM 380 nguyên liệu: giữ giá 7.700 – 7.850 đồng/kg.
5451 nguyên liệu: duy trì ở mức 9.600 – 9.750 đồng/kg.
Gạo thành phẩm OM 380: 8.800 – 9.000 đồng/kg.
Gạo IR 504 thành phẩm: 9.500 – 9.700 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo tại các chợ lẻ sụt giảm đáng kể so với đầu tuần do nhu cầu tiêu dùng yếu:
Gạo thường: giảm mạnh 2.000 đồng/kg, còn 13.000 – 15.000 đồng/kg.
Gạo Jasmine: giảm 1.000 đồng/kg, dao động 16.000 – 18.000 đồng/kg.
Gạo trắng thông dụng, gạo Sóc thường: giảm 1.000 đồng/kg.
Các loại gạo thơm như Thái, Hương Lài, Đài Loan, Nhật, Nàng Hoa: giá dao động từ 20.000 – 22.000 đồng/kg.
Gạo Nàng Nhen tiếp tục là mặt hàng có giá niêm yết cao nhất trên thị trường: 28.000 đồng/kg.
Tại các khu vực như Lấp Vò (Đồng Tháp), chợ Sa Đéc hay An Cư (Cái Bè – Tiền Giang), lượng gạo về ít, kho bãi mua cầm chừng, giá ổn định. Nguồn cung gạo đẹp hạn chế, khiến các nhà máy lựa chọn kỹ, giao dịch chưa sôi động.
Xuất khẩu gạo giữ đà ổn định: Trên thị trường quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không ghi nhận biến động trong ngày. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA):
Gạo 5% tấm: giữ mức 394 USD/tấn
Gạo 25% tấm: 367 USD/tấn
Gạo 100% tấm: 317 USD/tấn
Thị trường xuất khẩu tiếp tục được đánh giá là ổn định nhờ nhu cầu từ một số thị trường truyền thống. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ và Thái Lan vẫn là yếu tố cần theo dõi sát sao.
Thị trường lúa gạo đang bước vào giai đoạn chuyển giao giữa vụ Đông Xuân và Hè Thu, khiến nguồn cung không đồng đều. Trong khi đó, giá gạo nguyên liệu tăng trở lại đang tạo tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tuy vậy, sức tiêu thụ nội địa yếu vẫn là lực cản lớn đối với mặt bằng giá bán lẻ.

Nguồn: Vinanet/VITIC