Giá đậu tương trên sàn Chicago ngày 25/02/2021 lúc mở cửa phiên giao dịch đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 1/2021.
Thời tiết tại các khu vực trồng trọt của Brazil liên tiếp có những trận mưa lớn, đã làm cho việc thu hoạch và vận chuyển hàng hóa bị trì hoãn .
Ngô tăng phiên thứ tư liên tiếp trong khi lúa mì giảm giá sau đợt tăng hôm thứ tư ngày 23/02/2021.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Chicago đạt mức cao nhất kể từ ngày 15/1 lên mức 14,35 USD/bushel. Thị trường đang giao dịch tăng 0,5% lên mức 14,32-1/2 USD/bushel.
Tốc độ xuất khẩu đậu tương mạnh có thể hạn chế nguồn cung cấp sẵn có để nghiền khô đậu tương và dầu đậu tương.
Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Chicago tăng 0,1% lên 5,57-1/2 USD/Bushel, sau khi tăng 0,8% trong phiên trước đó.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Chicago giảm 0,8% xuống 6,80-1/4 USD/Bushel sau khi tăng 2,3% vào thứ tư ngày 24/02.
Dự báo vẫn có mưa rất lớn đối với vành đai đậu tương phía bắc của Brazil, nơi nông dân đang cố gắng thu hoạch vụ đậu tương. Mưa cũng có khả năng làm trì hoãn việc trồng ngô vụ thứ hai của đất nước này.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Đại Liên tăng ngày thứ ba liên tiếp lên 6.028 CNY/tấn, chỉ kém một CNY so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 7/2008.
Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ ưu tiên hỗ trợ vùng nông thôn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời tiến hành mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Tom Vilsack cho biết.
Tiếp tục cứu trợ xử lý đại dịch virus Corona, mở rộng các cơ hội thương mại của Mỹ và chống lại biến đổi khí hậu là những ưu tiên hàng đầu của các cơ quan, ban ngành trong Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Bộ trưởng Tom Vilsack cho biết trong một cuộc họp trực tuyến với giới truyền thông.
Trong tuần này, Thượng viện Mỹ xác nhận ông Vilsack là người đứng đầu một Bộ rộng lớn, giám sát khoảng 100.000 nhân viên chịu trách nhiệm về phiếu thực phẩm, bảo hiểm cây trồng, bảo tồn đất và các nhiệm vụ khác.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đang xem xét Chương trình Hỗ trợ Thực phẩm cho những người ảnh hưởng bởi virus Corona (CFAP) và Chương trình Hộp lương thực từ Nông dân tới Gia đình do chính quyền Trump thực hiện, sau những lời chỉ trích rằng viện trợ không được phân phối công bằng, ông Vilsack nói.
Cơ quan này sẽ tiếp tục chấp nhận đơn đăng ký các đợt thanh toán tiền mặt trong tương lai cho những nông dân đang gặp khó khăn theo chương trình CFAP trong khi chương trình đang được xem xét.
"Chúng tôi muốn làm điều đó theo đúng cách và chúng tôi muốn đảm bảo rằng... chúng tôi đã cung cấp một sự phân phối công bằng như mọi người muốn, dựa trên hàng hóa, dựa trên nhu cầu, dựa trên khu vực, dựa trên quy mô hoạt động", Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Vilsack cho biết.
Kể từ khi CFAP được công bố vào tháng 4/2020, USDA đã gửi hơn 23,79 tỷ USD cho nông dân và chủ trang trại thông qua chương trình và chi hơn 4 tỷ USD để mua thực phẩm để phân phối cho các ngân hàng thực phẩm, phòng chứa thức ăn trên khắp đất nước.
Tân Bộ trưởng Vilsack cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa Mỹ ngoài khách hàng hàng đầu là Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm căng thẳng gây ảnh hưởng đến thị trường nông sản và gây áp lực lên nền kinh tế trang trại của Mỹ.
Ông Vilsack cho biết Trung Quốc “dường như đang thực hiện đúng trách nhiệm của mình” trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 bao gồm những lời hứa của Bắc Kinh sẽ mở rộng nhập khẩu nông sản của Mỹ.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chỉ đạt 28,75 tỷ USD vào năm 2020, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thấp so với mục tiêu 36,5 tỷ USD hàng năm được nêu trong thỏa thuận.
 

Nguồn: VITIC/Reuters