Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn, Tân Yên đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện lựa chọn, hướng dẫn lắp đặt hoàn thiện dây chuyền sơ chế bảo quản vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.
Dây chuyền này bao gồm sơ chế-phân loại, xử lí-xông hơi khử trùng quả vải bằng Methyl Bromide và đóng gói, bảo quản khép kín đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản tại Công ty Toàn Cầu, với công suất 2 tấn/lần xông hơi khử trùng, 3giờ/lần.
Đồng thời, các cơ quan mời gọi được 3 doanh nghiệp (Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu) tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, dự kiến lô hàng xuất khẩu để chào hàng sẽ thực hiện cuối tháng 5/2020.
Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, chuyên gia Nhật Bản không sang được để giám sát, do đó việc xuất vải sang Nhật và thời điểm cụ thể tùy thuộc vào kết quả quá trình đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật của Bộ với phía Nhật Bản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dự kiến ngày 25/5, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ có thông tin chính thức.
Trước đó, tại buổi làm việc với Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị phía Nhật Bản tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu lô hàng vải tươi đầu tiên của Việt Nam sang Nhật Bản trong năm 2020.
Mặc dù do dịch bệnh, Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn Đại sứ cũng như các Bộ, ngành hữu quan của Nhật Bản có những biện pháp linh hoạt công nhận các cơ sở hun trùng vải tươi của Việt Nam, dỡ bỏ rào cản cuối cùng của việc xuất khẩu vải tươi sang Nhật Bản.
Bộ trưởng cho biết sau 5 năm chờ đợi và hoàn tất quy trình đánh giá rủi ro mở cửa thị trường, Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam vào tháng 12/2019.
Bộ trưởng cũng khẳng định Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như người nông dân trồng vải của Việt Nam rất mong chờ quả vải được xuất khẩu sang Nhật Bản trong năm 2020.