Brazil – nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới – đã xuất khẩu 3,35 triệu bao cà phê nhân (loại 60kg) trong tháng 8/2023, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu robusta tăng mạnh 443% lên 698.856 bao, trong khi xuất khẩu arabuca chỉ tăng 11,2% đạt 2,65 triệu bao.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, robusta ghi nhận mức xuất khẩu cao nhất trong một tháng, do nhu cầu tăng vọt khi sản lượng sụt giảm tại Việt Nam và Indonesia.
Marcio Ferreira, người đứng đầu Cecafe cho biết, ngành cà phê đang có những bước tiến quan trọng với triển vọng khá tích cực khi xuất khẩu tiếp tục tăng lên. Nếu điều kiện thời tiết thích hợp từ nay đến vụ thu hoạch tiếp theo, Brazil hoàn toàn có khả năng khôi phục sản xuất, từ mùa vụ 2024/25 trở đi, khối lượng gần bằng với năm 2020.
Viện cà phê Costa Rica (ICAFE) cho biết, quốc gia Trung Mỹ này đã xuất khẩu 91.884 bao cà phê (loại 60kg) trong tháng 8/2023, giảm 11,1% so với mức 103.367 bao xuất khẩu trong cùng tháng năm ngoái. ICAFE không đưa ra ký do về sự sụt giảm này.
Theo số liệu chính thức, tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại đạt 953.692 bao (loại 60kg), giảm 7,3% so với cùng kỳ vụ trước. Giá cà phê Costa Rica vẫn ở mức tốt so với mức giá trung bình của thế giới, ở 244,4 USD/bao.
Mùa cà phê ở vùng Trung Mỹ và Mexico chủ yếu trồng cà phê arabica bắt đầu vào tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau.
Uganda đã xuất khẩu lượng cà phê hàng tháng kỷ lục trong tháng 8, sau vụ thu hoạch dồi dào ở phía Tây Nam nước này. Giá cao đã khiến người trồng đẩy mạnh bán ra lượng cà phê dự trữ.
Uganda là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Phi, theo sau là Ethiopia. Các nước này chủ yếu trồng giống cà phê robusta.
Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), quốc gia Đông Phi này đã xuất khẩu 743.517 bao (loại 60kg) trong tháng 8/2023, với trị giá đạt 121,64 triệu USD. Lượng xuất khẩu này tăng 48,2% so với cùng tháng năm 2022.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters