Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2022, các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến, tổng trị giá XK đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường XK lớn bù đắp cho hơn 3 năm ngành cá tra bị tổn thương nặng nề do Covid-19. Dự báo, XK cá tra có thể đạt 2,6 tỷ USD trong năm nay.
Hầu hết các thị trường lớn đều ghi nhận XK cá tra tăng trưởng tốt, trong đó, có thị trường Trung Quốc- Hồng Kông, thị trường Mỹ...
Tăng trưởng cao nhất phải kể đến thị trường Mỹ, theo bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra của VASEP, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng trị giá XK cá tra sang Mỹ đạt 310 triệu USD, tăng 131%. Trong đó, riêng tháng 5/2022, trị giá XK cá tra sang thị trường này đạt 69 triệu USD, tăng 114%.
Giữa tháng 5/2022, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ra thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, XK sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ nâng tổng số nhà máy được công nhận lên con số 19. Cho tới nay, XK cá tra sang thị trường Mỹ vẫn đang ổn định tốt. Theo số liệu thống kê mới nhất của ITC, tới cuối tháng 4/2022, giá cá tra đông lạnh nhập khẩu (NK) của Mỹ từ Việt Nam đã lập thêm đỉnh mới đạt gần 5 USD/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 2 USD/kg. Đây là mức giá tăng mạnh chưa từng có trong 3 năm trở lại đây.
Thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh mặc dù các doanh nghiệp phải vượt qua khá nhiều rào cản kỹ thuật. Tính đến hết tháng 5/2022, tổng trị giá XK cá tra sang thị trường này đạt hơn 317 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước.
Thep phân tích của bà Tạ Hà, cuộc chạy đua ngăn Covid-19 tại một số điểm nóng, trong đó có Thượng Hải, nhiều cảng biển lớn, nhà máy phải đóng cửa đã ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi hàng hóa của nội bộ quốc gia nước này. Chính vì vậy, trong quý 1/2022, nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc giảm mạnh, trong đó khối lượng nhập khẩu cá minh thái từ Nga giảm 60%. Nhưng cho tới hết tháng 5/2022, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông vẫn tăng trưởng dương liên tiếp ba con số.
"Tới nay, giá cá tra phile XK trung bình sang Trung Quốc dao động từ 3,15 - 3,25 USD/kg, cao hơn 0,5 USD/kg so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, có gần 100 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia XK sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông"- bà Tạ Hà phân tích.
Ngoài các thị trường XK chính, XK cá tra đông lạnh sang Mexico, Canada, Australia và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 5/2022, CPTPP là khối thị trường XK lớn thứ 2 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ).
Nhu cầu nhập khẩu cá tra từ các nước trong khối CPTPP liên tục tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp với giá trị đạt 146,5 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK sang Mexico đạt 51,8 triệu USD, tăng 71%; Canada đạt 27,5 triệu USD - tăng 86%; Australia đạt 16,5 triệu USD - tăng 29%; Nhật Bản đạt 14,6 triệu USD - tăng 64%. Dự báo trong quý 2/2022, XK cá tra đông lạnh sang khối thị trường này tăng hơn 35% so với quý trước - đạt khoảng 110 triệu USD.
Bên cạnh đó, XK cá tra sang EU, Thái Lan, Brazil, Anh, Colombia, Ai Cập vẫn tăng trưởng tốt. Tổng trị giá XK sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; sang Thái Lan tăng 85%; sang Brazil tăng 51%...
Giá XK tốt, ổn định, giá nguyên liệu trong nước giảm nhẹ dao động 31.500 - 32.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Tuy nhiên, dự báo giá cá thương phẩm trung bình trong thời gian tới vẫn giữ ổn định do nhu cầu nhiều thị trường XK vẫn lớn.
 

Nguồn: haiquanonline