Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), xuất khẩu hồ tiêu của Brazil trong tháng 6 vừa qua đạt 5.333 tấn, trị giá 22,9 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và 9,4% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 7,4% về lượng và tăng tới 45,8% về trị giá.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Brazil đã xuất khẩu 37.181 tấn hồ tiêu với trị giá 141,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 6% về lượng nhưng vẫn tăng tới 21,4% về trị giá nhờ giá tăng cao.
Bình quân 6 tháng đầu năm, giá tiêu xuất khẩu của Brazil đạt 3.810 USD/tấn, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 6 đạt 4.300 USD/tấn, mức cao nhất ghi nhận được trong nhiều năm trở lại đây.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Comex Stat
Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới đang là khách hàng lớn nhất của ngành tiêu của Brazil. Trong nửa đầu năm nay, Brazil đã xuất khẩu 5.910 tấn hồ tiêu tới Việt Nam, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 16% tổng lượng tiêu xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này.
Giá tiêu xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam đạt bình quân 3.488 USD/tấn, tăng 19% so với nửa đầu năm ngoái, nhưng thấp nhất trong số 15 quốc gia nhập khẩu tiêu hàng đầu từ Brazil. Đồng thời thấp hơn đáng kể so với mức giá xuất khẩu bình quân 4.454 USD/tấn của Việt Nam ra thị trường quốc tế trong cùng thời gian.
Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu khác của Brazil trong nửa đầu năm 2024 gồm: Ấn Độ đạt 3.892 tấn, tăng 47,2%; Pakistan đạt 3.703 tấn, tăng 63,3%...
Ngoài ra, lượng tiêu vận chuyển đến Mỹ và EU lại tăng rất mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 8 lần lên 1.402 tấn, tới Đức tăng 14,8%, Pháp tăng 37,1%, Italy tăng 150%. Tuy nhiên, một số thị trường khác như Senegal, Morocco, Ai Cập, Hà Lan… lại chứng kiến sự sụt giảm.
Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Comex Stat
Brazil hiện đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu đen lớn thứ hai thế giới sau Việt Nam, chiếm 17 - 18% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu của nước này đang đứng trước nguy cơ sự sụt giảm trong năm thứ ba liên tiếp do mất mùa.
Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), dự kiến Brazil sẽ bước vào vụ thu hoạch tiếp vào tháng 8 tại vùng Espirito Santos và tháng 11 vùng Para. Ước tính, Brazil sẽ thu thêm khoảng trên dưới 60.000 tấn nữa.
Theo phản ảnh của một số nông dân vùng Espirito Santos, sản lượng thu hoạch trong năm 2024 có thể thấp hơn 25-30% do nắng nóng khiến bông rụng đợt 1 gần hết và tỷ lê đậu trái trên dé của bông ra đợt 2 và đợt 3 khá thấp nên dự kiến có thể chỉ đạt khoảng 70% so với năm ngoái. Tính chung cả nước năm 2024 có thể giảm 20-25% so với năm 2023.
Còn theo báo cáo mới đây của NedSpice, nhiệt độ cao và hạn hán do El Nino gây ra tại các vùng trồng tiêu của Brazil đã dẫn đến thiệt hại mùa màng, làm giảm ước tính về sản lượng năm 2024 của Brazil từ 110.000 tấn xuống còn 90.000 tấn, tương ứng giảm 18,2%.
Xuất khẩu hồ tiêu của Brazil đạt mức cao kỷ lục 92.065 tấn vào năm 2021, nhưng sau đó giảm xuống còn 86.359 tấn năm 2022 và 80.725 tấn năm 2023.
Sản lượng giảm từ Brazil và Việt Nam, hai quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới đã đẩy giá tiêu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Trong những tuần gần đây, mặc dù giá tiêu có phần ổn định trở lại nhưng vẫn đang dao động ở mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 17/7, giá tiêu đen ASTA của Brazil dao động ở mức 7.125 USD/tấn, tăng 2,1 lần so với đầu năm nay và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu đen xuất khẩu loại 500 g/l và 550 g/l của Việt Nam đang dao động ở mức 6.000 – 6.600 USD/tấn, tăng 54 – 65% so với đầu năm nay.
Tại nhà sản xuất lớn khác là Indonesia, giá tiêu cũng tăng khoảng 86% so với đầu năm nay lên mức 7.223 USD/tấn.
Như vậy, đây là lần hiếm hoi đầu tiên trong nhiều năm qua giá tiêu đen của Brazil vượt lên trên Việt Nam.
Một số chuyên gia nhận định dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ được thị trường tiếp tục ghi nhận và phản ánh trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển. Điều này khiến giá tăng trong trung và dài hạn.