Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. Quá trình đàm phán để mở cửa thị trường đã được Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật khởi động từ năm 2018.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng của Việt Nam chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư được công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, cùng với danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt. Đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo hệ thống kiểm dịch thực vật kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về bao bì và nhãn mác. Đồng thời, sẽ tổ chức tập huấn ngay cho các bên liên quan về yêu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các bên nhanh chóng đưa sản phẩm sầu riêng tươi đạt yêu cầu sang Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung cho biết: "Hiện nay 2 bên đã thống nhất ký Nghị định thư và trong ngày (11/7), Cục đã ký Công hàm gửi toàn bộ danh sách các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để chuyển cho phía Trung Quốc. Trong tuần này, Cục sẽ tập huấn cho các địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là các cơ sở đóng gói để nắm rõ các quy định, yêu cầu về xuất khẩu. Sầu riêng sẽ xuất khẩu chính ngạch khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Nghị định thư".
Theo Nghị định thư đã ký kết, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để bảo đảm truy xuất nguồn gốc chính xác. Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.
 

Nguồn: Báo Chính phủ