Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Về ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 8/2020 tăng nhẹ đạt khoảng 200 đ/kg so với tháng trước, giao động trong khoảng 17.500-18.000 đ/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Nhìn chung, thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.
"Dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước. Dự báo trong thời gian tới, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp tục ổn định do những tác động của thị trường thế giới khi bị ảnh hưởng của đại dịch", ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay.
Với mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác là tôm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại, giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL tháng 8/2020 có dấu hiệu giảm nhẹ so với tháng 7/2020. Điển hình như, tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 20.000 đ/kg còn 190.000 đ/kg, cỡ 30 con/kg giảm 20.000 đ/kg xuống 160.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg giảm 10.000 đ/kg xuống 130.000 đ/kg...
Tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm được sẽ còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Về xuất khẩu thủy sản nói chung, Bộ NN&PTTN dự báo, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong suốt quý III/2020.
Không ít chuyên gia dự báo, trị giá xuất khẩu thủy sản năm 2020 chỉ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Bên cạnh những bất lợi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhìn nhận, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.
Tuy nhiên, để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,... nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng mở ra không ít cơ hội cho thủy sản Việt. Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản sang EU có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, những tháng cuối năm nay, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững...

Tổng trị giá thủy sản nhập khẩu 8 tháng năm 2020 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,8%), Nauy (11,8%), Nhật Bản (10,2%).

Nguồn: Haiquanonline