Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cao
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6/2023, XK tôm đạt 328 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm này thấp hơn so với mức giảm của các tháng trước đó (giảm từ 28-35%).
Trong tháng 6/2023, XK tôm sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tiếp tục giảm 2 con số. Đáng chú ý, XK sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 6 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, XK tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 19% đạt 59 triệu USD. Trong nửa đầu năm nay, XK tôm đạt 239 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Tốc độ sụt giảm nhẹ dần kể từ tháng 3/2023.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng tôm nhập khẩu của nước này trong tháng 5 tăng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái lên 100.310 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 55% lên 579 triệu USD. Tính chung 5 tháng qua, lượng tôm nhập khẩu tăng 48% lên 415.305 tấn; kim ngạch cũng tăng 28% lên 2,3 tỷ USD.
Cùng với Trung Quốc, trong tháng 6 này, XK tôm sang một số thị trường nhỏ hơn ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, như: Australia tăng 9%; XK sang Anh tăng 23%, Đài Loan tăng 20%, Thụy Sỹ tăng 86%...
Tuy nhiên, XK tôm sang EU trong từng tháng từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay đều ghi nhận giảm trên 40% (giảm từ 41%-56%) và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 6 tháng đầu năm nay NK 193 triệu USD tôm từ Việt Nam, giảm 49% so với cùng kỳ.
Theo TS.Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, trên thị trường EU, tôm Việt Nam cạnh tranh mạnh với Ecuador do nguồn cung nguyên liệu của Ecuador dồi dào (hàng tháng thu hoạch khoảng trăm ngh tấn) với giá tốt. Tôm Ecuador chiếm lĩnh thị trường EU ở khúc thị phần sản phẩm chế biến trung bình và khá. Trên thị trường này, tôm Việt Nam chỉ giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp.
Tương tự, thị trường Nhật Bản mua 236 triệu USD tôm từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, giảm 29% so với cùng kỳ. XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 6/2023 giảm 35% - mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3 năm nay.
Trên thị trường Nhật Bản, tôm Việt cũng phải cạnh tranh "khốc liệt” với tôm Ấn Độ và Ecuador. Trong khi từ nguồn cung lớn nhất từ Việt Nam vào Nhật Bản ghi nhận giảm thì Nhật Bản vẫn tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và Ecuador, lần lượt là 44% và 49%.
Bên cạnh đó, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản những tháng đầu năm nay còn gặp khó khăn do đồng yên sụt giá mạnh. Đến đầu tháng 7/2023, đồng yên đã giảm quá mạnh, trên 145 yên cho mỗi USD, khiến việc tiêu thụ tôm vào thị trường này gặp khó khăn vì giá bán phải giảm theo đà giảm của đồng yên.
Tia hy vọng cho doanh nghiệp XK
Theo phân tích của các doanh nghiệp, hai thị trường Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tương tự nhau đó là kim ngạch XK tháng sau cao hơn tháng trước và mức sụt giảm trong từng tháng cũng nhẹ dần. Hai thị trường này được coi là “tia hy vọng” cho XK tôm nửa cuối năm nay.
XK tôm Việt Nam sang Mỹ 6 tháng đầu năm nay đạt 299 triệu USD, giảm 38%. Tháng 6 năm nay, XK tôm sang Mỹ giảm 23%, mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm. Giá trị XK tôm Việt sang Mỹ trong tháng 6 đạt hơn 71 triệu USD, giá trị cao nhất kể từ đầu năm nay. Kỳ vọng giá tôm thấp tại Mỹ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm cho dịp cuối năm tăng.
Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, XK tôm Việt Nam từ tháng 7 trở đi dù chưa thể phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ lệ sụt giảm kỳ vọng sẽ thu hẹp dần. Trong bối cảnh “khó chồng khó” hiện tại của ngành tôm, cái quan tâm hơn cả, làm sao thuyết phục được người nuôi tôm an tâm thả giống nuôi tới đây. Một bài toán quá khó, đòi hỏi thời gian cũng như sự chung tay của cả chuỗi ngành hàng, trong đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ và quản lý nhà nước, theo như ý kiến đề xuất của TS. Hồ Quốc Lực.
Một tín hiệu khả qua cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Mới đây nhất, ngày 12/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị về việc điều chỉnh lãi suất cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng giải pháp quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 1/5/2023.