Giá Arabica vẫn có thể tăng khi xuất khẩu chưa đột phá
Kết thúc phiên giao dịch 01/08, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Giá Arabica quay đầu suy yếu nhẹ sau khi có phiên tăng mạnh vào cuối tháng 7. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real gia tăng giúp thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil. Ở chiều ngược lại, giá Robusta khởi sắc phiên thứ 2 liên tiếp khi thị trường vẫn neo theo số liệu xuất khẩu ảm đạm tại Việt Nam và Indonesia.
Tình hình xuất khẩu cà phê tại các quốc gia sản xuất chính vẫn chưa có thấy sự cải thiện rõ rệt.
Thống kê sơ bộ từ chính phủ Brazil cho thấy, quốc gia này đã xuất khẩu được 140.454 tấn cà phê xanh trong tháng 7 giảm nhẹ so với mức 146.797 tấn trong cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy rằng nông dân Brazil vẫn còn khá dè dặt trong việc bán cà phê vụ mới dù tiến độ thu hoạch đã đạt trên một nửa diện tích dự kiến.
Tương tự như vậy, xuất khẩu cà phê trong tháng 7 tại Honduras, quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu Trung Mỹ đạt 635.183 bao loại 60 kg dạng hạt, tăng gần 63% so với 390.617 bao được vận chuyển trong cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức xuất khẩu hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 2, dữ liệu từ viện cà phê quốc gia IHCAFE.
Cũng tại Trung Mỹ các nhà sản xuất cà phê Costa Rica chỉ xuất khẩu 101.673 bao cà phê loại 60kg dạng hạt trong tháng 7, ít hơn 33,3% so với mức 152.482 bao được vận chuyển trong cùng kỳ năm trước, dữ liệu viện cà phê ICAFE. Đây là mức xuất khẩu hàng tháng thấp nhất trong 5 năm.

Giá đồng có thể duy trì đà giảm do thiếu thông tin hỗ trợ mạnh
Giá đồng dao động giằng co trong phiên sáng khi thiếu vắng thông tin cơ bản đủ mạnh. Mặc dù sáng nay các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục đưa ra tín hiệu hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản yếu kém, thông qua việc kêu gọi phát hành trái phiếu để huy động vốn và đề nghị các ngân hàng hạ lãi suất thế chấp.
Tuy nhiên, kỳ vọng Trung Quốc tăng cường hỗ trợ nền kinh tế gần như đã được phản ánh hết vào giá, hơn nữa, các nhà chức trách đã ngừng công bố các biện pháp kích thích quy mô lớn. Đồng thời, các biện pháp nhằm mục đích củng cố niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ cần một thời gian để phát huy hiệu quả. Do đó, tin tức này không còn là yếu tố hỗ trợ quá mạnh cho giá đồng.
Bên cạnh đó, theo Hãng tin Reuters đưa tin, các công ty lớn trên toàn cầu trong lĩnh vực tiêu dùng, ô tô, công nghệ,… đã cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc rất thận trọng trong việc chi tiêu và khiến doanh số bán hàng của họ ở Trung Quốc sụt giảm mạnh. Điều này cho thấy kích thích tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn sẽ là một bài toán khó, khi niềm tin tiêu dùng của người dân cần một thời gian để có thể ổn định.
Tới phiên tối, dự báo giá đồng sẽ tiếp tục phải chịu tác động bởi dữ liệu kinh tế mới của Mỹ.
Thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP, đo lường số liệu việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ, được dự báo sẽ giảm mạnh xuống 189.000 việc trong tháng 7, từ mức 497.000 trong tháng 6.
Nếu dữ liệu thấp hơn do với dự báo, điều này cho thấy thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt và có thể làm giảm bớt niềm tin của giới đầu tư về việc nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định. Đồng USD có thể giảm và hỗ trợ cho giá đồng. Ngược lại, nếu dữ liệu tích cực, giá đồng sẽ phải chịu sức ép trước đà tăng của đồng USD.

Giá dầu WTI có thể giảm khi các nhà đầu tư thận trọng trước họp Fed
Giá dầu sau khi tiến sát vùng kháng cự 80 USD/thùng, đã quay đầu giảm nhẹ do lực bán chốt lời, đồng thời các nhà đầu tư cũng thận trọng hơn trước thềm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay.
Có hai yếu tố ảnh hưởng mạnh tới giá dầu trong phiên hôm nay, gồm báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và cuộc họp của Fed.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 1,32 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/07, trái với dự báo giảm của thị trường. Nhiều khả năng báo cáo của EIA cũng sẽ cho thấy mức tồn kho gia tăng, và điều này sẽ cản trở đà tăng hiện tại của giá dầu, nhất là khi giá đang ở vùng “nhạy cảm” quá mua.
Tuy nhiên, tồn kho xăng có thể giảm trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ đang tăng mạnh, phản ánh nhu cầu cao trong giai đoạn mùa hè. Theo AAA Gas Prices, giá xăng trung bình của Mỹ hiện đang ở mức 3,636 USD/galloon, cao hơn 0,07 USD/galloon so với tuần trước và cũng cao hơn 0,06 USD/galloon so với mức trung bình tháng trước. Do đó, trường hợp tồn kho sản phẩm nhiên liệu giảm mạnh sẽ lại là yếu tố “bullish” cho giá dầu.
Tâm điểm thị trường sẽ hướng về cuộc họp của Fed. Gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này, nên điều thị trường quan tâm hơn sẽ là Fed nói gì về kế hoạch sắp tới.
Với việc giá xăng dầu tăng trở lại do nguồn cung thắt chặt và giá nông sản, thực phẩm tăng trở lại trước rủi ro tại khu vực Biển Đen, sẽ khiến bài toán kiểm soát lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn. Nhất là khi sự hạ nhiệt lạm phát hiện tại của Mỹ là nhờ sự đóng góp khá lớn của đà giảm giá các mặt hàng này trong giai đoạn trước, vì lạm phát cơ bản (hay lạm phát lõi) vẫn ở mức cao.
Do đó, Fed có thể sẽ tiếp tục đưa ra các giọng điệu “diều hâu” đối với kế hoạch lãi suất trong thời gian tới. Trong kịch bản này, phần lớn các nhà đầu tư cho rằng đêm nay là lần tăng cuối cùng của Fed sẽ thất vọng, đồng USD có thể tăng trở lại và giá dầu có thể gặp áp lực.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)