Theo Revista Puerto, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Achentina tháng 10/2024 tăng 11,4% so với tháng 10/2023 chủ yếu do khối lượng xuất khẩu tăng, trong khi giá nguyên liệu thô, ngoại trừ mực và tôm nguyên con, lại giảm.
Theo Báo cáo của CAPeCA, xuất khẩu thủy sản của Achentina 10 tháng đầu năm 2024 đạt 1.713 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu từng loài thủy sản có sự khác biệt đáng kể. Đối với cá tuyết hubbsi, xuất khẩu tăng là do khối lượng tăng do giá giảm ở tất cả các thị trường tiêu thụ. Xuất khẩu tôm bỏ đầu giảm cả về lượng và giá trị. Ngược lại, tôm nguyên con có nhu cầu tăng và giá tăng nhẹ, mặc dù vẫn còn kém xa mức lợi nhuận được ghi nhận cho đến năm 2019; xuất khẩu mực ống là loài duy nhất tăng trưởng cả về doanh thu và giá cả.
Cá tuyết (hubbsi)
Xuất khẩu cá tuyết phi lê tăng 15,3% về lượng và 13,9% về giá trị, mặc dù giá trung bình giảm 1,2%, nguyên nhân do lượng xuất khẩu tăng. Brazil là thị trường xuất khẩu chính, khối lượng tăng 22,9% nhưng giá trị chỉ tăng 21,5% do giá trung bình giảm (3.226 USD/tấn). Mô hình này được lặp lại ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ Nga, nơi khối lượng tăng 24,1% và giá tăng 8,3% (3.151 USD/tấn), mặc dù đây vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu ít nhất. Tây Ban Nha, thị trường lớn thứ 2, giá thấp nhất, 3.012 USD/tấn, trong khi Israel giá cao nhất, 3.556 USD, với khối lượng tăng 64%.
Các sản phẩm cá tuyết đông lạnh (không bao gồm philê) cũng tăng trưởng 34,2% về lượng, trong khi giá trung bình vẫn ổn định ở mức 1.533 USD/tấn. Nga dẫn đầu về khối lượng với mức tăng 34,4% nhưng giá giảm 3,2% (1.580 USD/tấn). Tây Ban Nha là nước trả giá cao nhất (1.849 USD) với lượng tăng 78%.
Tôm
Tôm nguyên con có khối lượng xuất khẩu tăng 19,7% và giá trung bình tăng 3,5%, đạt 5.653 USD/tấn. Điều này thể hiện doanh thu tăng 23,9%. Tuy nhiên, giá vẫn thấp hơn mức trước năm 2020.
Xuất khẩu sang Mỹ đạt mức tốt nhất (5.849 USD) với nhu cầu tăng 194,8%, mặc dù chỉ đạt 800 tấn. Xuất khẩu sang Tây Ban Nha đạt khối lượng cao nhất, chiếm gần 50% tổng lượng xuất khẩu, tăng 30% và giá trung bình 5.594 USD/tấn. Xuất khẩu sang Italia và Nhật Bản cũng tăng (lần lượt là 58,6% và 54,6%) với mức giá cạnh tranh. Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 7,4% và giá thấp nhất (5.534 USD).
Xuất khẩu mặt hàng tôm bỏ đầu giảm 9,6% và giá trung bình giảm 0,9%, đứng ở mức 7.630 USD/tấn, kém xa mức 8.711 USD đạt được vào năm 2022. Trung Quốc, thị trường chính, duy trì mức giá trung bình ở mức 7.018 USD/tấn nhưng khối lượng giảm 7,4%. Tây Ban Nha cũng giảm lượng mua vào (-18,3%) và giá giảm 5,1% so với năm 2023.
Mực
Mực ống là loài duy nhất có mức tăng trưởng bền vững do tăng cả về lượng (+8,7%) và giá trị (+13,3%). Giá trung bình đứng ở mức 2.547 USD/tấn, do nhu cầu đã cạn kiệt nguồn hàng sẵn có vào đầu tháng 11.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dẫn đầu với khối lượng tăng 81,4% và giá tăng 9,9% (2.501 USD/tấn). Xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 24%, nhưng giá tăng 14,7%, mặc dù vẫn là một trong những thị trường có giá thấp nhất (2.357 USD). Xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng 68%, giá tốt nhất: 3.422 USD/tấn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/seafood.media