Hoạt động thu hoạch cà phê diễn ra tích cực tại vùng trồng cà phê chính của Brazil đang diễn ra tích cực, giúp nguồn cung trở nên sẵn sàng hơn để có thể đẩy ra thị trường, giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường xảy ra trước đó.
Hơn nữa, xuất khẩu cà phê đang cho thấy tín hiệu tích cực tại các quốc gia xuất khẩu hàng đầu. Xuất khẩu cà phê trong tháng 06 của Việt Nam, ước đạt 150.000 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) cho biết. Đồng thời, dữ liệu từ Indonesia cũng cho thấy, Xuất khẩu cà phê Robusta dạng hạt của Indonesia trong tháng 05 đạt 13.618 tấn, tăng 13,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 87,22% so với mức 7.273,8 tấn vào tháng trước. Đây cũng là lần đầu xuất khẩu cà phê theo tháng của Indonesia tăng sau 5 tháng giảm liên tiếp.
Tuy vậy, những lo ngại về vấn đề nguồn cung ở mức thấp vẫn chưa hoàn toàn biến mất, đặc biệt là thị trường Việt Nam với những lo ngại El Nino khiến sản lượng giảm. El Nino sẽ gây ra kiểu thời tiết khô hạn tại Việt Nam, khiến vùng trồng cà phê chính trở nên thiếu độ ẩm phù hợp để cây cà phê phát triển tốt nhất. Điều này đưa đến kỳ vọng sản lượng tại Việt Nam sẽ không hồi phục được như kỳ vọng trước đó.
Giá đồng có thể giằng co do thị trường Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh
Do thiếu vắng tin tức cơ bản, dự báo giá đồng sẽ tiếp tục dao động giằng co trong cả phiên hôm nay do thị trường Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh 04/07.
Về mặt vĩ mô, sau khi Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố dữ liệu chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục thu hẹp tháng thứ 8 liên tiếp, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đã giảm do dữ liệu kinh tế yếu kém đặt ra nghi ngờ về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tạm dừng việc thắt chặt trong tháng 7 hay không.
Do đó, thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi biên bản họp Fed được công bố vào thứ Tư. Nếu Fed tiếp tục cho thấy động thái ủng hộ tăng lãi suất trong cuộc họp tới, đồng USD có thể phục hồi trở lại và gây sức ép tới thị trường đồng.
Về tiêu thụ, tính đến thứ Hai ngày 03/07, dự trữ đồng tại các thị trường lớn ở Trung Quốc đã tăng 5.900 tấn so với ngày 30/06 lên 105.000 tấn, cho thấy tiêu thụ kém sắc. Đây là yếu tố tác động “bearish” tới giá đồng trong phiên hôm nay.
Tuy vậy, giá đồng vẫn đang được hỗ trợ nhờ yếu tố nguồn cung. Lũ lụt tại Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, bắt đầu từ ngày 23/06 vẫn chưa kết thúc và gây ra tình trạng thiếu nguồn nước sạch ngày một nghiêm trọng. Hơn nữa, giao thông tại nước này cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Những rủi ro này đang khiến hoạt động khai thác đồng tại đây chưa để trở lại bình thường và dự báo tiếp tục bị gián đoạn cho tới khi tình trạng lũ lụt tạm ngừng.
Hơn nữa, tồn kho đồng trên Sở COMEX và LME vẫn đang trên đà giảm, làm gia tăng áp lực nguồn cung và hỗ trợ cho giá.
Giá dầu có thể sẽ gặp áp lực trong một phiên giao dịch mỏng
Kỳ nghỉ lễ Tết độc lập Mỹ vào ngày hôm nay nhiều khả năng sẽ khiến cho khối lượng giao dịch trên thị trường dầu thô mỏng hơn.
Quyết định của Saudi Arabia và Nga trong việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện nhiều khả năng được coi là một tín hiệu giảm giá, vì nó xác nhận rằng quan điểm về tăng trưởng nhu cầu đang chững lại.
Các động thái của Saudi và Nga có nghĩa là tổng mức cắt giảm sản lượng mà các thành viên của nhóm sản xuất OPEC+ cam kết là 5,16 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu toàn cầu hàng ngày.
Phần lớn kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu dầu toàn cầu hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm nay tập trung vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, vốn được cho là chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức tăng trưởng.
Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang tương đối phân hoá, trong đó lĩnh vực bất động sản và sản xuất khá trì trệ. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc vẫn ở dưới ngưỡng mở rộng trong tháng 6.
Câu hỏi đối với thị trường dầu mỏ là liệu kết quả kinh tế yếu ớt của Trung Quốc có dẫn đến nhập khẩu dầu thô yếu hơn hay không.
Nhập khẩu tăng 6,2% lên tương đương 11,13 triệu thùng/ngày trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng mạnh mẽ có thể sẽ tiếp tục trong tháng 6, với ước tính lượng hàng đến là 12,5 triệu thùng/ngày, đây sẽ là mức cao thứ 3 được ghi nhận.
Tuy nhiên, Trung Quốc có lịch sử mua khối lượng dầu lớn khi các nhà máy lọc dầu cho rằng giá hợp lý, nhưng cắt giảm nhập khẩu khi giá được coi là tăng quá cao hoặc tăng quá nhanh.
Trung Quốc cũng đã tăng lượng hàng tồn kho cho đến nay vào năm 2023, với ước tính 730.000 thùng/ngày được bổ sung trong 5 tháng đầu tiên, với con số khổng lồ 1,77 triệu thùng/ngày được bổ sung vào tháng 5.
Do đó, trong trường hợp giá dầu tăng do việc cắt giảm sản lượng, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng lượng dầu dự trữ tích luỹ, và giảm thiểu nhập khẩu dầu.