Mùa vụ đậu tương đang diễn ra tại Mỹ đang ở trong giai đoạn ra hoa và tạo vỏ với tiến độ đang tương đương với mức trung bình 5 năm trước. Chất lượng cây trồng vẫn giảm nhẹ từ mức 51% xuống còn 50% diện tích đạt tốt – tuyệt vời tính đến đầu tuần này. Đây cũng là mức đánh giá chất lượng thấp nhất kể từ năm 2012. Mặc dù một vài cơn mưa đã xuất hiện trở lại mang đến lượng độ ẩm tích cực cho cây trồng và khiến thị trường kỳ vọng vào sự cải thiện chất lượng nhưng tác động tới cây trồng vẫn chưa được thể hiện trong báo cáo tuần này. Điều này có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá đậu tương khi mở cửa phiên giao dịch hôm nay.
Tuy nhiên, xét về trung hạn, báo cáo Final Acreage đã cho thấy bức tranh nguồn cung tại Mỹ rõ ràng hơn. Diện tích đậu tương lại giảm mạnh so với dự đoán của thị trường xuống mức 83.51 triệu mẫu so với mức 87.45 triệu mẫu so với niên vụ 22/23. Về năng suất, mặc dù có khởi đầu khá khó khăn trong giai đoạn phát triển đầu tiên nhưng có khả năng chất lượng cây trồng sẽ được cải thiện trong những tuần tới khi khu vực Midwest được dự báo là sẽ đón nhận nhiều lượng mưa hơn trong tháng 7. Với năng suất dự báo của USDA trong báo cáo WASDE tháng 6 cho mùa vụ đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 là 52 giạ/mẫu, cùng với mức diện tích trên thì sản lượng năm nay vẫn sẽ gia tăng so với niên vụ trước.
Giá Arabica có thể giảm do xuất khẩu tích cực tại Honduras
Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/07, giá Robusta quay trở lại đà giảm khi hoạt động xuất khẩu bất ngờ trở nên tích cực hơn tại các quốc gia cung ứng chính. Xuất khẩu cà phê trong tháng 06 của Việt Nam, ước đạt 150.000 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, xuất khẩu cà phê Robusta dạng hạt của Indonesia trong tháng 05 đạt 13.618 tấn, tăng 13,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 87,22% so với mức 7.273,8 tấn vào tháng trước. Hôm nay cà phê Arabica trở lại giao dịch bình thường.
Nguồn cung cà phê Arabica vẫn đang có những tín hiệu tích cực.
Cụ thể, Honduras đã xuất khẩu 769.471 bao cà phê dạng hạt loại 60 kg trong tháng 6, tăng 37% so với 563.409 bao được vận chuyển trong cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ viện cà phê quốc gia IHCAFE. Đây cũng là tháng xuất khẩu tăng thứ 3 liên tiếp của quốc gia này. Xuất khẩu gia tăng, phần nào bù đắp những thiếu hụt trên thị trường do việc hạn chế bán hàng của các quốc gia khác.
Hơn nữa, thời tiết khô ráo tại vùng sản xuất cà phê chính, giúp thúc đẩy hoạt động thu hoạch cà phê tại Brazil trở nên tích cực hơn trong thời gian tới. Kết hợp cùng triển vọng nguồn cung cà phê tích cực trong niên vụ 2023/24 tại quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, giúp nông dân trở nên an tâm hơn về vấn đề nguồn cung, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới.
Theo thống kê mới nhất từ Safras & Mercado, Brazil đã thu hoạch được 45% diện tích, cao hơn 6% so với mức 39% thống kê được vào cùng thời điểm năm trước.
Giá đồng có thể gặp áp lực nếu Fed cho thấy tín hiệu tăng lãi suất
Giá đồng chịu áp lực bán áp đảo trong phiên sáng nay do triển vọng tiêu thụ bị lu mờ bởi lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu.
Nối tiếp dữ liệu sản xuất được công bố hôm qua, sáng nay Caixin Trung Quốc tiếp tục công bố số liệu cho thấy hoạt động dịch vụ của Trung Quốc suy yếu trong tháng 6.
Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) dịch vụ đã giảm xuống 53,9 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 1 khi chính quyền nước này dỡ bỏ các hạn chế COVID-19. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức 56,2 điểm mà giới phân tích dự đoán.
Có thể thấy, cả hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đều trên đà giảm tốc trong 3 tháng của quý II. Điều này làm dấy lên lo ngại tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn này có thể không đạt được như kỳ vọng. Theo đó, với vai trò thước đo sức khỏe của nền kinh tế, lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm tại Trung Quốc vẫn đang đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng.
Tuy vậy, tới phiên tối, biên bản cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường. Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, nhưng các quan chức đã cảnh báo rằng chu kỳ thắt chặt của Fed vẫn chưa thể kết thúc. Phần lớn nhà đầu tư đều đang cho rằng Fed sẽ khởi động lại chu kỳ thắt chặt vào tháng 7.
Do vậy, nếu biên bản họp tối nay cho thấy các thành viên tiếp tục ủng hộ chính sách thắt chặt, giá đồng có thể gặp áp lực bán mạnh. Ngược lại, giá sẽ được hỗ trợ nếu Fed cho thấy động thái ôn hòa.
Giá dầu có thể sẽ giằng co trước thềm công bố Biên bản họp Fed
Thị trường Mỹ sẽ trở lại sau ngày Nghỉ Lễ Tết độc lập 4/7 vào tối nay, nên giá dầu có thể biến động mạnh mẽ hơn trong phiên tối.
Lo ngại về nguồn cung thu hẹp vẫn đang là yếu tố “bullish” đối với giá dầu trong thời gian tới. Giá dầu thô ESPO của Nga, xuất sang Trung Quốc, đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng do các khách hàng Trung Quốc đổ xô mua dầu này trước khi xuất khẩu của Nga được công bố cắt giảm 500.000 thùng/ngày vào tháng tới.
Theo Reuters , ESPO hiện đang giao dịch ở mức chiết khấu 4 đô la mỗi thùng so với dầu thô Brent, cao hơn 6 đô la so với mức giá trần của G7.
Lo ngại nguồn cung thắt chặt từ Nga có thể khiến nguồn dầu thô tại khu vực khác cạnh tranh hơn, kéo giá dầu Mỹ tăng. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ tâm lý nhiều hơn, còn trên thực tế sẽ cần thêm bằng chứng về khối lượng dầu cung cấp từ Nga sụt giảm.
Vào tháng 3, Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày, nhưng dòng chảy xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga liên tục tăng theo tuần, chưa cho thấy dấu hiệu của việc cắt giảm.
Về yếu tố vĩ mô, thị trường sẽ tập trung vào Biên bản họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào 1h00 đêm nay. Trong cuộc họp tháng 6, đa số các thành viên của ủy ban mong đợi 2 hoặc nhiều lần tăng lãi suất trong nửa cuối năm. Biên bản họp lần này có thể củng cố kỳ vọng của thị trường về một đợt tăng lãi suất vào tháng 7, và điều này có thể sẽ là yếu tố “bearish” đối với giá dầu.