Trong báo cáo WASDE tháng 10, về phía nguồn cung, USDA đã tiến hành cắt giảm dự báo năng suất đậu tương niên vụ 2023/24 của Mỹ xuống còn 49,6 giạ/mẫu, giảm 0,5 giạ so với báo cáo trước. Điều này khiến sản lượng dự kiến sẽ đạt 4,10 tỷ giạ, thấp hơn mức 4,15 tỷ giạ được đưa ra trước đó. Về phía nhu cầu, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cắt giảm dự báo xuất khẩu 35 triệu giạ so với báo tháng 9 xuống còn 1.755 triệu giạ, có thể do sản lượng thấp hơn và cạnh tranh với nguồn cung từ Brazil. Sự sụt giảm đến từ cả cung và cầu khiến tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2023/24 không có sự thay đổi so với tháng trước, duy trì ở mức 220 triệu giạ, thấp hơn mức 233 triệu giạ dự đoán của thị trường. Đối với các số liệu toàn cầu, tồn kho đậu tương thế giới đã bị USDA cắt giảm mạnh xuống còn 115,6 triệu tấn, từ mức 119,25 triệu tấn trong báo cáo trước, trái với kỳ vọng tăng của thị trường. Sản lượng đậu tương toàn cầu niên vụ 2023/24 được điều chỉnh giảm còn 538,5 triệu tấn, do vụ mùa tại Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi hạn hán lịch sử vào tháng 8. Nhìn chung các số liệu trong báo cáo tối qua đều có tác động "bullish" đến giá, nhiều khả năng sẽ giúp đậu tương tiến về các mốc kháng cự trong hôm nay.
Đối với báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) tối nay, chúng tôi cho rằng các số liệu có thể sẽ không mang đến quá nhiều bất ngờ. Thị trường hiện đang kỳ vọng doanh số bán đậu tương niên vụ 2023/24 sẽ nằm trong khoảng 0,65 – 1,0 triệu tấn. Với việc bán 397.000 tấn đậu tương niên vụ 2023/24 đến Trung Quốc đã được công bố trong tuần báo cáo, chúng tôi cho rằng, doanh số tối nay rất có thể sẽ đúng như kỳ vọng của thị trường, nên không có nhiều ảnh hưởng đến diễn biến giá.

Giá Arabica có thể tăng nếu nông dân Brazil còn chần chừ bán hàng
Kết phiên 12/10, giá hai mặt hàng cà phê cùng khởi sắc. Trong đó, giá Arabica tăng thêm 1,08% và giá Robusta tăng 0,89% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real của Brazil tiếp tục thu hẹp đã hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân nước này, từ đó hỗ trợ giá.
Lực bán cà phê tại Brazil đang bị hạn chế khi những bên cung cấp cho rằng mức giá hiện tại đang thấp và giảm quá sâu so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo tuần kết thúc ngày 8/10 của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB), giá Arabica tại quốc gia này đang ở mức 800 Real/bao loại 60kg, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giá Arabica trên Sở ICE dù hồi phục trong vài phiên gần đây vẫn kém 25% so với thời điểm tháng 10 năm 2022.
Bên cạnh tâm lý thị trường, việc đồng Real mạnh lên và tỷ giá USD/Brazil Real giảm liên tiếp trong 5 phiên gần đây cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân.
Mặt khác, nguồn cung cà phê trên thị trường cũng manh nha những tín hiệu tích cực. Tồn kho trên Sở ICE-US tăng 2 phiên liên tiếp, với 5.800 bao, đưa tổng số Arabica đạt chuẩn tại đây lên mức 448.022 bao. Đồng thời, hiện có gần 3.000 bao được vận chuyển từ Brazil đến, đang chờ phân loại bổ sung trong thời gian tới.
Dù lượng Arabica xuất khẩu bất ngờ giảm trong tháng 9, nhưng những thống kê sơ bộ trong đầu tháng 10 từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu cà phê Brazil cho thấy tín hiệu chuyển mình tích cực hơn. Cụ thể, trong 11 ngày vừa qua, Brazil đã xuất đi 1,24 triệu bao Arabica dạng hạt, tăng 21,56 % so với mức 1,02 triệu bao trong tháng trước.

Rủi ro xung đột ở Trung Đông leo thang có thể tiếp tục hỗ trợ giá kim loại quý
Thị trường kim loại quý nhận được lực mua trong phiên sáng khi cuộc xung đột ở Trung Đông có nguy cơ leo thang mạnh mẽ, thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản tài chính an toàn.
Theo CNBC, Israel mới đây đã kêu gọi sơ tán 1,1 triệu cư dân ở phía bắc của thành phố Gaza, để di dời về phía nam trong vòng 24 giờ tới. Động thái này của Israel cho thấy một cuộc tấn công trên bộ có thể sắp xảy ra. Liên Hợp Quốc (UN) đánh giá việc di dời người như vậy có thể gây ra “hậu quả nhân đạo tàn khốc”.
Trong một kịch bản cực đoan, chiến tranh lan rộng có thể khiến Israel rơi vào cuộc xung đột trực tiếp với Iran, nước cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Hamas. Đây cũng là quốc gia mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho vào danh sách nhóm khủng bố. Theo đánh giá của Bloomberg Economics, kịch bản này có xác suất xảy ra thấp nhưng khá nguy hiểm, vì có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nếu trường hợp này xảy ra, Bloomberg Economics dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 1 điểm phần trăm xuống 1,7% trong năm 2024. Ngoại trừ cú sốc Covid và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1982, giai đoạn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát từ cú sốc dầu mỏ những năm 1970.
Ngoài ra, việc đồng USD suy yếu trước lập trường chính sách “ôn hòa” của quan chức FED có thể củng cố đà tăng của giá kim loại quý. Trong bài phát biểu chuẩn bị cho hội nghị ngân hàng cộng đồng, Chủ tịch FED bang Boston, Susan Collins, cho rằng nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ duy trì đà tăng như trong thời gian gần đây, điều này có thể làm giảm khả năng FED tăng thêm lãi suất. Trước đó, các quan chức Raphael Bostic, Christopher Waller, Neel Kashkari và Mary Daly cũng đã đưa ra nhận định rằng FED có thể sẽ duy trì lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5% trong một khoảng thời gian.

Giá dầu có thể vẫn trong biên độ tích lũy đi ngang sau báo cáo lạm phát Mỹ
Ngay sau báo cáo của OPEC, giá dầu đã đảo chiều giảm, tuy nhiên sau đó giá đã phục hồi tăng trở lại khi báo cáo lạm phát được công bố. Trước đó thị trường đã kỳ vọng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng tăng lãi suất trong tháng 11. Tuy nhiên, với diễn biến bất lạm phát chưa giảm như kỳ vọng của Fed đã khiến thị trường có cái nhìn khác về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ cuối năm nay.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 9 và cao hơn 3,7% so với một năm trước. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 4,1% so với cùng kỳ và tăng 0,3% so với tháng 8, phù hợp với dự đoán.
Số liệu phản ảnh được lạm phát hiện tại vẫn đang cao hơn nhiều so với dự báo, điều này đã tác động đến tâm lý thị trường ngay thời điểm đó khi nhà đầu tư cho rằng lạm phát vẫn không hạ nhiệt sẽ khiến Fed cần có một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Với kỳ vọng này, đồng USD đã phục hồi tăng mạnh trở lại khiến cho giá dầu giảm điều chỉnh.
Cũng trong ngày, OPEC giữ nguyên dự báo về nhu cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Trong khi đó EIA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2024 xuống 880.000 thùng/ngày, thấp hơn con số 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tháng trước đó.
Sự trái ngược trong dự báo của OPEC và EIA đã khiến thị trường trở nên thận trọng hơn và chưa xác nhận được xu hướng rõ ràng trong thời điểm hiện tại. Trong khi, OPEC vẫn giữ kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu dầu của Trung Quốc thì IEA dự đoán nhu cầu sẽ sụt giảm trong năm 2024.
Giá dầu sụt giảm gần đây phản ánh nhu cầu thấp hơn, phần nào do điều kiện kinh tế kém khả quan tại Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
IEA cũng lưu ý rằng điều duy nhất khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng thâm hụt lúc này là việc cắt giảm tự nguyện của OPEC+. Và nếu OPEC+ không thực hiện cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến mức độ thặng dư trong dữ liệu cán cân thương mại tháng 1 năm sau.
Trong phiên sáng hôm nay giá dầu đã phục hồi tăng lại mức giá cao nhất trước khi OPEC công bố dự báo tháng này. Như vậy, thị trường hiện tại đang không có xu hướng chắc chắn, và có thể giá sẽ không biến động mạnh vào phiên giao dịch cuối tuần.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)