Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa đã đạt được thỏa thuận. Thỏa thuận sẽ đình chỉ giới hạn nợ cho đến ngày 01/01/2025, đồng thời, giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025.
Tiến gần hơn tới việc ngăn cản tình trạng vỡ nợ xảy ra, đàm phán thành công giữa hai giới chức Mỹ đã củng cố tâm lý nhà đầu tư và thúc đẩy lực mua trên thị trường đồng.
Tuy vậy, dự luật vẫn cần phải được Quốc hội thông qua. Do đó, các nhà đầu tư tiếp tục thận trọng chờ đợi những tin tức tiếp theo về trần nợ công của Mỹ.
Hơn nữa, đà tăng của giá đồng có thể không quá mạnh do nhu cầu tiêu thụ còn yếu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu.
Trong 4 tháng đầu năm nay, nguồn vốn đầu tư vào bất động sản tại Trung Quốc, lĩnh vực tiêu thụ phần lớn đồng, đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, các công trình xây dựng mới có diện tích sàn giảm 21,2% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mức lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục đạt mức tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, mức lợi nhuận công nghiệp từ tháng 1 – tháng 4 đã giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái, do các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những thách thức như nhu cầu tiêu thụ yếu và tình trạng giảm phát giá sản xuất kéo dài. Điều này gián tiếp cho thấy sức tiêu thụ đồng trong sản xuất công nghiệp còn hạn chế
Thêm vào đó, trong khi nhu cầu tiêu thụ mờ nhạt thì triển vọng nguồn cung đồng lại tương đối tích cực. Sự gián đoạn trong việc khai thác tại Panama, Chile và Peru đã tạm thời lắng xuống. Gần đây, một số dự án khai thác mới cũng sắp đi vào hoạt động. Công ty Chinalco của Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu dự án khai thác đồng tại mỏ Toromocho thuộc Peru vào cuối tháng 6. Toromocho là một trong năm mỏ có sản lượng đồng lớn nhất Peru, với sản lượng 244.712 tấn vào năm 2022.
Giá Arabica khả năng tiếp tục giảm nhờ triển vọng nguồn cung tích cực
Kết thúc tuần giao dịch 22-28/05, giá 2 mặt hàng cà phê cùng suy yếu nhưng mức độ có sự chênh lệch đáng kể. Giá Arabica giảm hơn 5% do triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ 2023/24 tại các quốc gia sản xuất hàng đầu như Brazil và Colombia. Giá Robusta suy yếu nhẹ chưa tới 1% khi sản lượng và tồn kho cà phê niên vụ 2023/24 tại Việt Nam có sự hồi phục tích cực.
Tuần này, thị trường mở cửa từ thứ 3 do Mỹ và Châu Âu nghỉ lễ Ngày Chiến sĩ trận vong.
Hoạt động thu hoạch cà phê niên vụ 2023/24 tại Brazil đã diễn ra. Các cơ quan phân tích đã có những kỳ vọng rất tích cực về triển vọng nguồn cung tring niên vụ này. Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của Chính phủ Brazil (Conab) ước tính sản lượng Arabica trong năm 2023 của quốc gia này đạt 37,94 triệu bao, tăng 16% so với năn 2022. Trước đó, một cơ quan khác thuộc chính phủ là Viện Địa lý và Thống kê (IBGE) cũng đưa ra dự báo sản lượng Arabica trong năm nay của Brazil lên tới 38,5 triệu bao, tăng gần 14% so với năm trước.
Cùng chung tín hiệu khả quan đó, Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil cho biết, hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil sẽ được đẩy mạnh trong thời gian nửa cuối năm nay. Điều này phù hợp với tình trạng nguồn cung được bổ sung từ hoạt đông thu hoạch cà phê vụ mới. Hơn nữa, thông tin này giúp giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung ở thời điểm hiện tại.
Dù vậy, đà suy yếu của tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE khi đã giảm về 598.493 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong 6 tháng sẽ vẫn có những tác động nhất định là hạn chế những tác động “bearish”.
Giá dầu có thể duy trì sắc xanh khi dự luật về trần nợ sẽ sớm được thông qua
Giá dầu tăng hơn 1% trong sáng nay, sau khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đạt được thỏa thuận sơ bộ về trần nợ của Mỹ. Cả hai nhà lãnh đạo đều kỳ vọng thỏa thuận này sẽ được Quốc hội thông qua, góp phần găn chặn một cuộc vỡ nợ, đồng thời thiết lập lộ trình chi tiêu liên bang cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.
Tâm điểm tin tức tuần này hướng về cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), nhất là sau khi Saudi Arabia và Nga gần đây đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về khả năng thay đổi chính sách nguồn cung của nhóm. Nếu tiếp tục thực hiện cắt giảm, Saudi Arabia sẽ là nước phải thực hiện giảm phần lớn sản lượng.
Tuy nhiên, hiện quốc gia này cũng phải đối mặt với bài toán cân bằng ngân sách, khi mà Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) dự báo nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới sẽ thâm hụt ngân sách 1,1% GDP trong năm nay. IMF cũng ướctính giá dầu mà Saudi Arabia cần để cân bằng ngân sách trong năm nay lên hơn 80 USD/thùng.
Giá dầu vẫn thấp hơn khoảng 9% trong năm nay do sự phục hồi kinh tế mờ nhạt của Trung Quốc và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây áp lực lên triển vọng nhu cầu. Vì thế, ngay cả khi OPEC+ thực hiện cắt giảm sản lượng, giá dầu cũng khó có thể duy trì ổn định trên 80 USD. Bên cạnh đó, việc bán ít dầu hơn cũng sẽ làm giảm ngân sách của Saudi Arabia, nên nếu không nhận được sự đồng thuận cao từ các thành viên, OPEC+ có thể sẽ vẫn duy trì chính sách sản lượng hiện nay.
 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)