Giá kim loại giảm mạnh
Nhóm kim loại đóng góp chủ yếu vào đà giảm của toàn thị trường trong tuần vừa qua với 9 trên 10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Đáng chú ý, có đến 6 mặt hàng ghi nhận mức giảm trên 3%. Trên Sở Giao dịch Kim loại LME, giá niken sụt giảm hơn 5%, thiếc và kẽm giảm hơn 4%. Trên Sở COMEX, kim loại quý là bạc cũng đã đánh mất hơn 4% giá trị, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng. Sức ép từ đồng USD mạnh lên khiến chi phí đầu tư và giao dịch tăng cao đã thúc đẩy lực bán đối với các mặt hàng kim loại trong tuần qua.

Vào đầu tuần, đồng USD duy trì đà tăng sau khi Tổ chức đánh giá Tín dụng Moody’s tuyên bố hạ xếp hạng tín dụng đối với hàng loạt ngân hàng tại Mỹ. Tin tức này làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng và nền kinh tế Mỹ, đồng thời thúc đẩy nhà đầu tư tăng cường nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao. Chỉ số Dollar Index hiện đã tăng tuần thứ tư liên tiếp sau khi tăng 0,81% lên 102,84 điểm; từ đó liên tục gây sức ép lên giá kim loại.

Cuối tuần, số liệu lạm phát giá sản xuất tăng mạnh hơn dự báo tiếp tục hỗ trợ đồng USD và khiến cho giá bạc, bạch kim suy yếu. Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) lõi tháng 7 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng 6, cao hơn mức 0,2% mà các chuyên gia kinh tế dự báo.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, bên cạnh việc chịu sức ép bởi đồng USD mạnh lên, các mặt hàng này cũng gặp áp lực trước loạt dữ liệu kinh tế kém sắc của Trung Quốc. Theo Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 7 giảm lần lượt 14,5% và 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Tăng trưởng kinh tế chậm lại đang đè nặng lên triển vọng nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp tại nước này.
MXV cho biết, trong tuần này, thị trường kim loại, đặc biệt là kim loại cơ bản như đồng, nhôm, quặng sắt,.. được dự báo sẽ tiếp tục chịu tác động mạnh mẽ từ dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ các mặt hàng này nhiều nhất thế giới.
Đầu tuần, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc sẽ công bố hàng loạt dữ liệu, trong đó nổi bật nhất là sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định trong tháng 7. Các con số này sẽ tiết lộ về mức độ phục hồi trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng, đầu tư hạ tầng, vốn sử dụng lượng lớn kim loại làm nguyên vật liệu đầu vào. Trong tuần trước, Trung Quốc đã báo cáo tình trạng giảm phát, cho thấy tốc độ tăng trưởng còn yếu. Nếu như các dữ liệu này tiếp tục tiêu cực hơn kỳ vọng, giá kim loại cơ bản vẫn sẽ còn dư địa giảm.
Tuy nhiên, thị trường đang kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới. Bất kỳ các gói hỗ trợ lớn nào đều có thể đem lại xu hướng phục hồi cho giá kim loại cơ bản trong tuần.
Trong khi đó, diễn biến trên thị trường kim loại quý bao gồm bạc và bạch kim sẽ chịu nhiều tác động từ các yếu tố kinh tế Mỹ, với tâm điểm là Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng ngày 17/08, nêu chi tiết thông tin cuộc họp lãi suất hồi tháng 7. Biên bản này sẽ cho thị trường thêm nhiều manh mối và thông tin về các động thái của nhiều quan chức Fed đối với kế hoạch lãi suất vào nửa cuối năm nay.
Bông tăng mạnh, giá cà phê diễn biến trái chiều
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá bông là điểm sáng với mức tăng 4,27% so với tham chiếu, dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong tuần qua. Mức tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi phiên cuối tuần với dự đoán sản lượng bông niên vụ 2023/24 sẽ thu hẹp tại Mỹ.
Trong báo cáo Cung – cầu nông sản tháng 08, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng bông toàn cầu niên vụ 2023/24 sẽ thấp hơn 2,7 triệu kiện so với số liệu đưa ra hồi tháng 07, chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng từ Mỹ, ước tính khoảng 2,5 triệu kiện. Trong khi đó, nhu cầu về bông của toàn thế giới sẽ tăng thêm 500.000 kiện so với dự đoán trước đó.

Trong khi đó, giá hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Cụ thể, Arabica ghi nhận mức giảm 2,20% với 4 trên 5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Ngược lại, cà phê Robusta khởi sắc với mức tăng 2,30% so với tham chiếu. Sự đối lập về nguồn cung giữa hai mặt hàng là yếu tố chính tại khiến giá cà phê diễn biến trái chiều trong tuần qua.

Đối với Arabica, xuất khẩu cà phê của Brazil đang được đẩy mạnh khi thu hoạch cà phê Arabica niên vụ 2023/24 đã đạt 80% diện tích. Xuất khẩu cà phê Arabica dạng hạt của Brazil đã đã đạt 2,19 triệu tấn trong tháng 7, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, hiệp hội các nhà xuất khẩu Cecafe cho biết.
Đồng thời, các cơ quan cung cấp thông tin đang lạc quan về sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 của quốc gia này. Nhà cung cấp dịch vụ rủi ro và phân tích Hedge Point Global Markets cho biết, nông dân Brazil dự kiến sẽ sản xuất 65,8 triệu bao cà phê loại 60kg trong năm 2023, cao hơn mức 63,8 triệu bao dự báo trước đó.
Với tình hình nguồn cung đang dần có sẵn như hiện nay, MXV nhận định giá Arabica trong tuần này nhiều khả năng có thể tiếp tục suy yếu.
Ngược lại, đối với Robusta, xuất khẩu cà phê tại Việt Nam vẫn cho thấy sự sụt giảm. Trong tháng 07 Việt Nam đã vận chuyển 108.872 tấn cà phê ra nước ngoài, giảm 22,6% so với tháng trước. Đồng thời, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm nay của quốc gia này giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.116.804 tấn, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan. Xuất khẩu cà phê ở mức thấp tại quốc gia cung ứng Robusta lớn nhất thế giới tiếp tục dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, dù cho Brazil đang đẩy mạnh bán cà phê vụ mới.
Ghi nhận trong sáng nay (14/08), trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm nhẹ 100 đồng/kg so với ngày trước đó, được thu mua trong khoảng 66.500 – 67.400 đồng/kg. So với tuần trước, giá cà phê trong nước đã giảm khoảng 600 đồng/kg.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)