Thông thường, các sản phẩm ngũ cốc của nông dân Ukraine chủ yếu sẽ tới các vùng cảng phía nam như Odessa để xuất khẩu sang Ấn Độ và các nước đang phát triển ở Bắc Phi. Hiện tại, với lựa chọn duy nhất khác là các tuyến đường bộ, đường sắt và đường sông tốn kém hơn qua châu Âu nhưng cũng đã gây ra sự phản đối từ các nước láng giềng, ngũ cốc của của nông dân Ukraine có thể sẽ phải lưu kho. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi mùa vụ thu hoạch năm nay khá thuận lợi, sản lượng gia tăng so với kỳ vọng ban đầu nhưng xuất khẩu vẫn đóng băng.
Bên cạnh tình hình nguồn cung tại Biển Đen, các thông tin về mùa vụ Mỹ trong báo cáo Crop Progress sáng nay cũng sẽ có ảnh hưởng tới diễn biến giá trong phiên. Đối với vụ xuân, chất lượng cây trồng cải thiện nhẹ so với tuần trước với 42% diện tích cây trồng đạt tốt – tuyệt vời thay vì duy trì như dự đoán của thị trường. Tốc độ thu hoạch cũng tăng nhanh và đạt gần ¼ diện tích dự kiến tính đến tuần này. Trong khi đó, tiến độ thu hoạch vụ đông cũng đang bước vào giai đoạn cuối cùng và đang tương đương với tốc độ trung bình 5 năm trước. Chính vì thế nên báo cáo này theo chúng tôi vẫn thiên về tác động “bearish” nhẹ đối với thị trường trường lúa mì.
Các vấn đề đối với nguồn cung lúa mì từ Biển Đen vẫn đang hiện hữu cho tới khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt. Theo đánh giá của chúng tôi, giá lúa mì có khả năng sẽ hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ tâm lí 600.

Giá Arabica vẫn có thể giảm trước khi có nhịp điều chỉnh kỹ thuật
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/08, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt sụt giảm. Trong đó, giá Arabica mất hơn 4% so với tham chiếu, đẩy giá về mức thấp nhất trong 6 tháng và đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này. Xuất khẩu cà phê đang được đẩy mạnh tại Brazil khi vụ thu hoạch sắp hoàn thành kết hợp cùng sự chênh lệch tỷ giá giữa USD và Brazil đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân nước này. Dưới sức ép từ giá Arabica và việc đẩy mạnh xuất khẩu của Brazil, giá Robusta cũng giảm gần 2%.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Brazil từ đầu tháng 08 đã bắt đầu có những dấu hiệu cụ thể, đưa đến kỳ vọng nguồn cung cà phê trên thị trường toàn cầu sẽ được củng cố tốt hơn trong thời gian tới. Số liệu thống kê xuất khẩu cà phê hàng ngày của Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho thấy, lượng xuất khẩu cà phê những ngày đầu tháng 08 đang cao hơn so với cùng kỳ tháng trước và nguồn cung cà phê đang sẵn có tại quốc gia này sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho việc đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Không chỉ tại Brazil, dữ liệu về nguồn cung cà phê trong tháng 07 vừa qua tại Colombia cũng là tín hiệu củng cố thêm lo ngại nguồn cung cà phê toàn cầu sẽ nhanh chóng được cải thiện. Cụ thể, Colombia đã sản xuất 947.000 bao cà phê Arabica loại 60kg trong tháng 07, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, liên đoàn cà phê quốc gia nước này cho biết.
Những chuyển biến tích cực từ sản lượng cà phê tại 2 quốc gia cung ứng cà phê Arabica hàng đầu thế giới tiếp tục củng cố cho lập luận xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm, từ đó gây áp lực lên giá.
Dù vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm trước, góp phần hạn chế lực giảm trên thị trường.

Triển vọng tiêu thụ kém và đồng USD mạnh lên có thể gây sức ép tới giá đồng
Giá đồng tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay, được hỗ trợ chủ yếu bởi thông báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, PBOC đã bơm thanh khoản 401 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 55,24 tỷ USD) thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm với lãi suất 2,50%, tương đương giảm 15 điểm cơ bản so với mức 2,65% trong tháng 7, đây là mức giảm nhiều nhất kể từ năm 2020. Điều này trái ngược với hầu hết dự đoán của giới chuyên gia rằng PBOC sẽ giữ nguyên lãi suất.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu kém như hiện nay, động thái hạ lãi suất chỉ có thể trấn an thị trường trong ngắn hạn. Dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay cho thấy lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng yếu, với mức đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 3,4% trong tháng 7 (YoY), không đạt được kỳ vọng của giới chuyên gia.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4,4% của các chuyên gia kinh tế. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7 cũng ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022, khi chỉ tăng 2,5% (YoY), thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4,5% theo dự báo. Ngoài ra, sau 3 tháng giữ nguyên ở mức 5,2%, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng lên 5,3% trong tháng 7 (YoY).
Do vậy, đà phục hồi kinh tế yếu kém của Trung Quốc có thể tiếp tục làm lu mờ triển vọng tiêu thụ đồng và cản trở đà tăng của giá.
Tới phiên tối, dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ cũng sẽ có tác động nhất định tới giá đồng. Theo dự báo của chúng tôi, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 7 của Mỹ sẽ cao hơn so với tháng 6, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp, do người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn trong mùa hè và dịp du lịch nghỉ lễ. Hơn nữa, niềm tin tiêu dùng đang khá tích cực khi lạm phát hạ nhiệt.
Dữ liệu khảo sát từ Đại học Michigan đã chỉ ra tâm lý người tiêu dùng tăng vọt lên mức cao nhất trong gần hai năm vào tháng 7, với 72,6 điểm. Thực thế, theo dữ liệu từ TD Cowen, trung bình lượng người đến các nhà bán lẻ của Mỹ tăng 7% so với năm ngoái, tăng so với mức 4,4% của tháng 6.
Do vậy, dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực có thể hỗ trợ cho đồng USD tăng và khiến giá đồng gặp sức ép trở lại.

Giá dầu có thể sẽ tiếp tục giằng co trước các tín hiệu trái chiều từ Trung Quốc
Giá dầu hiện đang dao động trong biên độ khá hẹp ở vùng 81,8 – 83 USD đối với dầu WTI. Nhiều khả năng xu hướng giằng co sẽ tiếp tục, sau khi Trung Quốc bất ngờ cắt giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng sau loạt dữ liệu kinh tế yếu kém trong tháng 7, nhưng tác động trên thực tế vẫn còn nhiều hoài nghi.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm 15 điểm cơ bản, từ 2,65% xuống 2,5%. Động thái này khá bất ngờ khi trước đó, thị trường kỳ vọng PBOC sẽ giữ nguyên lãi suất. Lãi suất chính sách ngắn hạn cũng bị cắt giảm 10 điểm cơ bản.
Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế yếu kém gần đây cũng đặt ra nghi ngại về sự hiệu quả của chính sách. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 7 chỉ tăng 3,7% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4,5% và mức tăng tháng 6 là 4,4%. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7 ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022.
Có một nguy cơ là Trung Quốc rơi vào “bẫy thanh khoản”, một kịch bản trong đó chính sách tiền tệ phần lớn trở nên vô hiệu và người tiêu dùng giữ tiền mặt của họ thay vì chi tiêu. Nói cách khác, có rủi ro là các doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc, bị thúc đẩy bởi tâm lý rất tiêu cực về triển vọng kinh tế, thích thoái vốn và giảm đòn bẩy trong bối cảnh doanh thu giảm.
Do đó, cắt giảm lãi suất có thể là không đủ, trừ khi chúng đi kèm với các biện pháp tài chính để thúc đẩy nhu cầu, hay là kết hợp mạnh mẽ với chính sách tài khoá, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản.
Một tín hiệu tích cực đó là nhu cầu dầu thô sử dụng cho hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc trong tháng 7 vẫn tương đối ổn định, đạt khoảng 14,87 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 14,83 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Tuy nhiên trước đó, nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 7 thấp hơn khoảng 16% so với tháng 6. Trung Quốc nhiều khả năng đã lấy dầu từ kho dự trữ đã tích trữ trước đó cho hoạt động lọc trong bối cảnh giá cao hơn.
Về mặt kỹ thuật, việc giá dầu phá vỡ kênh xu hướng hiện tại vẫn chưa quá rõ ràng. Giá vẫn rút chân lại khi chạm vùng kháng cự 81,8 USD. Tuy nhiên, trên khung H4, giá dầu đã tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, di chuyển trong nửa dưới của dải Bollinger Band.
Chỉ báo dao động Stochastic khung D1 cho thấy 2 đường %K và %D đều có xu hướng hướng xuống. RSI cũng đang hướng xuống từ vùng quá mua.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)