Chuyến khảo sát vùng Trung Tây đã cho kết quả của ngày cuối cùng về mùa vụ tại bang Iowa và Minnesota. Những cơn mưa không đồng đều đã gây ra sự khác biệt về năng suất giữa các cánh đồng ngô năm nay của bang Iowa. Mặc dù 3 quận phía Tây được dự báo có năng suất cao hơn một chút so với trung bình 3 năm, nhưng vụ ngô năm nay ở bang sản xuất ngô lớn nhất của Mỹ được cho là mùa vụ kém nhất từng ghi nhận trong 17 năm. Các chuyên gia dự báo năng suất ngô năm nay của Iowa chỉ đạt 182,8 giạ/mẫu, thấp hơn so với mức 183,81 giạ/mẫu của năm ngoái. Đối với vụ ngô ở Minessota, tình trạng cây trồng bị cháy nắng cũng khiến năng suất ngô năm nay dự báo đạt 181,34 giạ/mẫu, thấp hơn nhiều so với mức 190,39 giạ/mẫu cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, sau 4 ngày khảo sát trên hơn 2000 cánh đồng tại 7 bang gieo trồng ngô lớn nhất tại Midwest, kết quả cho thấy hầu như toàn bộ các bang đều đang chịu ảnh hưởng đáng kể bởi thời tiết khô hạn. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, những lo ngại về triển vọng mùa vụ năm nay tại Mỹ vẫn đang là yếu tố hỗ trợ giá ngô trong trung hạn.
Ở chiều ngược lại, con số bán hàng ngô Mỹ niên vụ 22/23 đạt mức âm trong khi bán hàng niên vụ mới sụt giảm so với tuần trước đó đang kìm hãm đà tăng của giá. Tuy nhiên, báo cáo Daily Export Sales đã cho thấy 2 đơn hàng với tổng khối lượng là 223,770 tấn ngô niên vụ 23/24 từ Mỹ sang Mexico trong tuần đánh giá của báo cáo Export Sales tới đây. Do vậy, chúng tôi cho rằng tình hình xuất khẩu niên vụ mới của Mỹ sẽ khả quan hơn trong báo cáo tuần tới, đồng thời xoa dịu những lo ngại về triển vọng xuất khẩu của quốc gia này.

Giá Arabica vẫn có thể điều chỉnh giảm trước áp lực từ nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/08, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục khởi sắc nhưng mức tăng không còn mạnh như hôm trước. Chỉ số Dollar Index tăng kéo giãn chênh lệch giữa đồng USD và đồng nội tệ của Brazil, từ đó kích thích nhu cầu bán cà phê trở lại của nông dân nước này. Điều này dẫn đến đà tăng có phần yếu đi.
Bất chấp việc xuất khẩu cà phê đang được đẩy mạnh tại Brazil cùng triển vọng nguồn cung cà phê tích cực tại hầu hết các quốc gia sản xuất Arabica lớn trên thế giới khác như Colombia, Honduras,…, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn nối tiếp đà giảm dù đã chạm mức thấp nhất trong 9 tháng.
Cụ thể, tổng lượng cà phê lưu trữ tại các kho của Sở ICE tính đến hết phiên 24/08 ở mức 512.753 bao loại 60kg, giảm 750 bao so với phiên trước và là mức tồn kho thấy nhất được ghi nhận kể từ ngày 21/11/2022.
Tuy nhiên, mức giảm ở hiện tại hay từ khi cà phê bắt đầu thu hoạch tập trung tại Brazil vào giữa tháng 06 đã thu hẹp so với mức giảm mạnh trong khoảng tháng 02 đến tháng 06 khi các quốc gia xuất khẩu Arabica chính đều hạn chế xuất khẩu. Trong tháng đầu tiên khi đà giảm bắt đầu, tồn kho đã mất 128.233 bao, trong khi số bao cà phê giảm trong 1 tháng nay chỉ là 19.495 bao.
Do đó, với việc lượng cà phê vận chuyển ra quốc gia tăng mạnh tại Brazil, kết hợp cùng triển vọng sản lượng gia tăng tại Colombia và Honduras, kỳ vọng dữ liệu tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE sẽ sớm đảo chiều.

Phát biểu của Chủ tịch Fed sẽ tác động mạnh tới giá đồng trong phiên tối
Những tin tức tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc khiến cho sức ép bán gia tăng trên thị trường đồng trong phiên sáng.
Cụ thể, Ngân hàng Morgan Stanley thông báo họ tiếp tục hạ mục tiêu đối với các chỉ số chứng khoán lớn của Trung Quốc và Hồng Kông lần thứ hai trong ba tháng, theo Bloomberg đưa tin ngày 25/08. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo rằng sự căng thẳng trên thị trường bất động sản Trung Quốc có thể lan sang cả thị trường châu Á, và gián tiếp làm chậm thu nhập và lợi nhuận của cả khu vực.
Xét đến việc Trung Quốc chiếm hơn 50% trong tổng nhu cầu đồng toàn cầu, những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mất đà đang là một trong những lực cản lớn đối với đà tăng của giá đồng.
Bên cạnh đó, về yếu tố vĩ mô, đồng USD vẫn đang neo ở mức cao với chỉ số Dollar Index tăng vượt mức 104 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tháng, tiếp tục gây sức ép tới giá đồng.
Tới phiên tối, nhà đầu tư sẽ hướng tâm điểm tới bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole vào 21h tối nay theo giờ Việt Nam.
Trong bối cảnh các nhà đầu tư và ngay cả các thành viên bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đều đang có những ý kiến trái chiều về triển vọng lãi suất, phát biểu của Chủ tịch Powell sẽ có tác động rất lớn trong việc định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới.
Theo dự đoán của chúng tôi, với việc thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì ổn định, cùng với việc lạm phát dịch vụ tại Mỹ vẫn ở mức cao và lạm phát cơ bản cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, các nhà đầu tư nên cảnh giác rằng Fed có thể sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Bên cạnh đó, kỳ vọng lãi suất tiếp tục tăng đang thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm bật tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hiện tại mức lợi suất đang đối diện với mức kháng cự quan trọng 4,33%, nếu sau cuộc họp hôm nay giá đâm thủng kháng cự này, xu hướng tăng có thể được xác nhận và gây áp lực tới thị trường tài chính nói chung.
Đồng thời, đồng USD đang hướng tới tuần tăng thứ 6 liên tiếp và đạt tháng tăng đầu tiên sau 2 tháng giảm liên tiếp, nếu ngài Powell cho thấy bất cứ động thái “diều hâu” nào, đồng USD có thể tiếp tục tăng cao. Theo đó, thị trường đồng sẽ phải chịu nhiều sức ép trong thời gian tới.

Giá dầu có thể có nhịp hồi kỹ thuật trước khi giảm trở lại
Giá dầu mở cửa phiên giao dịch ngày hôm nay với mức tăng nhẹ, tuy nhiên xu hướng chính vẫn đang trên đà giảm khi các thông tin cơ bản về nguồn cung mang tính hỗ trợ giá hiện đang không có nhiều. Do đó, giá có thể sẽ có nhịp hồi điều chỉnh tích luỹ trước khi tiếp tục suy yếu trở lại.
Ngày hôm nay, thị trường sẽ tập trung vào những phát biểu của Chủ tịch Fed trong Hội nghị Jackson Hole, nơi quy tụ các quan chức Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Năm ngoái, chủ tịch Fed đã gây bất ngờ cho thị trường khi tuyên bố sẽ chế ngự lạm phát, bất chấp nỗi đau kinh tế. Đồng USD đã tăng sau sự kiện và giá dầu cũng đã gặp các áp lực nhất định.
Ở thời điểm hiện tại, lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể trong khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục có sự lạc quan trong tăng trưởng hơn mức kỳ vọng, và tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn khá “cứng đầu”, Fed sẽ khó có những động thái mềm dẻo bởi vẫn có nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại nền kinh tế, và thậm chí khi đó, “cái giá” mà Fed và nền kinh tế Mỹ phải trả thậm chí còn lớn hơn.
Trong trường hợp chủ tịch Fed ôn hoà trước các nhận định, đồng USD suy yếu có thể khiến giá dầu phục hồi nhẹ, nhưng tác động sẽ không quá mạnh do yếu tố cung cầu vẫn là động lực chính. Lo ngại thâm hụt nguồn cung hiện không còn sức tác động mạnh đến giá khi các thông tin bão hoà và sự bổ sung từ các nước như Iraq, Iran, Venezuala, Nigeria, Lybia…cùng các nước non-OPEC. Trong khi Mỹ đang dần chuyển sang giai đoạn cuối mùa tiêu thụ cao điểm.
Trường hợp chủ tịch Fed tiếp tục khẳng định ưu tiên chống lạm phát, với các phát biểu mang tính “diều hâu”, đồng USD, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể tăng trở lại và gây áp lực tới giá dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)