Ngô có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên hôm nay

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/05, đà tăng của ngô và lúa mì thời gian vừa qua đã bắt đầu suy yếu sau báo cáo Cung – cầu tháng 5 của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Giá hợp đồng ngô kì hạn tháng 7 giảm hơn 1%, về mức 714.75 cent/giạ. Lúa mì tiếp tục là mặt hàng giảm mạnh nhất mỗi khi thị trường nông sản đồng loạt điều chỉnh, với mức giảm 1.62% về mức 729.75 cent/giạ.

Với ngô, mức giảm giá 1% là không quá đáng kể so với những biến động mạnh liên tục trong vài tháng trở lại đây. Tuy nhiên, chênh lệch rõ ràng giữa các mức thay đổi của giá các hợp đồng kỳ hạn khác nhau là khá bất thường. Hợp đồng ngô kỳ hạn xa có mức giảm mạnh hơn và sức tăng yếu so với hợp đồng tháng 7. Đây có thể là dấu hiệu cho việc thiếu hụt nguồn cung sẽ không còn quá đáng lo trong dài hạn. Ngoài ra, khi giá tăng mạnh chỉ trong một thời gian rất ngắn, thì sẽ càng tạo ra tâm lí hoang mang hơn cho nhà đầu tư vào mỗi phiên giảm.

Giá ngô giảm trong phiên hôm qua chủ yếu do tác động từ báo cáo Cung – cầu. Hầu hết các số liệu mà USDA đưa ra đều nằm trong khoảng kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, tồn kho ngô thế giới niên vụ 20/21 và 21/22 cao hơn lần lượt 4 triệu và gần 10 triệu tấn so với dự đoán trung bình. Đây là yếu tố “bearish” mạnh với giá, khi thông tin về tồn kho Mỹ giảm mạnh trong báo cáo trước đó là tác nhân chính khiến giá ngô tăng mạnh do lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

 

Xu hướng điều chỉnh của cà phê và đường chưa có dấu hiệu kết thúc

Kết thúc phiên giao dịch 12/05, đường và cà phê tiếp tục trái chiều với các mặt hàng còn lại trong nhóm công nghiệp, tuy nhiên sắc xanh từ phiên thứ Ba đã chuyển ngược thành màu đỏ. 

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US giảm mạnh 2.4% về 146.50 cent/pound. Sức ép thanh lý kết hợp với việc đồng Dollar tăng trở lại gây sức ép lên đồng Real, là các yếu tố chính khiến cho lực bán áo đảo trong phiên hôm qua. 

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafe) của Brazil cho biết, xuất khẩu cà phê trong tháng Tư đạt 3.3 triệu bao (loại 60kg), giảm 8.5% so với cùng kỳ. Thông tin này có thể hạn chế giá cà phê quay lại xu hướng tăng mạnh trước đó. 

Giá Robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE EU đóng cửa giảm gần 20 USD về mức 1514 USD/tấn. Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng Tư đạt mức 2.2 triệu bao, giảm 20.92% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là yếu tố khiến cho lực mua đang không mạnh.  

 

Giá kim loại quý đồng loạt giảm sau dữ liệu lạm phát được công bố

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/5, giá các mặt hàng kim loại quý đồng loạt giảm. Giá bạc giảm 1.5% xuống 27.24 USD trong khi giá bạch kim đóng cửa ở 1225.9 USD với mức giảm 1.23%

Sau khi Bộ Lao Động Mỹ công bố dữ liệu về lạm phát khiến cho giá của các mặt hàng kim loại quý đều chịu áp lực, đồng thời ghi nhận CPI 12 tháng có mức tăng lớn nhất kể từ giai đoạn sau tháng 9 năm 2008.

Các chuyên gia nhận định rằng việc tăng giá này nằm trong dự đoán bởi đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu gây ra sự thiếu hụt nguồn cung cho rất nhiều loại hàng hóa. Vì vậy, các thông tin về lạm phát chưa thực sự hỗ trợ cho giá của các mặt hàng kim loại quý.

Do vậy để, chắc chắn hơn về các tác động của lạm phát đồng thời xác định giá tiêu dùng có tiếp tục tăng hay không, các nhà đầu tư sẽ cần chú ý thêm tới báo cáo thất nghiệp hàng tuần vào thứ 5 và doanh số bán lẻ vào thứ 6.

Các thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử cũng có một phiên sụt giảm mạnh vào ngày hôm qua, tuy nhiên dòng tiền vẫn được giữ lại do các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng, trên cơ sở Fed vẫn duy trì các chính sách nới lỏng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng quan ngại lạm phát diễn ra quá nhanh và chần chừ chưa dịch chuyển dòng vốn sang các loại tài sản trú an toàn ngay lập tức.

Hiện tại các tin tức tích cực với giá của các mặt hàng kim loại quý còn hạn chế nên trong phiên giao dịch sắp tới, giá rất có thể vẫn giảm.

 

Giá dầu có khả năng sẽ giảm trong phiên hôm nay

Giá dầu thô tăng trong phiên giao dịch ngày hôm qua sau các báo cáo lạc quan của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA. Cụ thể, giá WTI tăng 1.23% lên 66.08 USD/thùng, giá Brent tăng 1.12% lên 69.32 USD/thùng.

Trong báo cáo thị trường dầu mới nhất, IEA dự kiến nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tăng 5.4 triệu thùng/ngày so với năm trước nhờ nhu cầu tăng tại Mỹ và châu Âu sẽ đủ bù đắp cho thị trường châu Á. Nhu cầu lọc dầu giảm mạnh nhất trong quý 2 do các nhà máy ở Ấn Độ giảm sản lượng sẽ phục hồi trở lại và đạt đỉnh vào tháng 8. Bên cạnh đó, mặc dù sản lượng dầu trong năm 2021 dự kiến tăng 1.4 triệu thùng/năm so với năm ngoái khi các nước OPEC bắt đầu gia tăng sản lượng, tiêu thụ được kỳ vọng sẽ tăng thêm 6.5 triệu thùng/ngày. Như vậy, giá dầu vẫn còn khả năng tăng dù Iran có thể tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày nếu đạt được thỏa thuận gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu với Mỹ. Ngoài ra, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần 7/5 tiếp tục giảm đã hỗ trợ giá dầu, mặc dù con số 0.4 triệu thấp hơn kỳ vọng giảm 2.8 triệu thùng giới chuyên gia đưa ra trước đó.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)