Mùa vụ tại các nước sản xuất lớn đều đứng trước nguy cơ thiệt hại, giá ngô có thể sẽ hồi phục từ vùng hỗ trợ 660
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá ngô đang tiếp tục đà suy yếu từ 3 phiên trước đó. Như chúng tôi đã nhận định trong các bản tin trước, xu hướng tăng trong trung hạn của ngô vẫn sẽ được duy trì trong bối cảnh mùa vụ ở Mỹ đang bị thiệt hại. Giá ngô vẫn chỉ đang trải qua một nhịp điều chỉnh giảm ngắn do áp lực bán kĩ thuật sau 2 phiên tăng vọt từ ảnh hưởng của báo cáo Cung – cầu tháng 9.
Ngô tại Mỹ đã bắt đầu được thu hoạch và với dự báo thời tiết khô nóng vẫn dai dẳng trên khắp khu vực Midwest mặc dù sẽ đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng sẽ xóa đi khả năng cây trồng có thể cải thiện. Đây là lí do chính mà chúng tôi cho rằng giá ngô sẽ tiếp tục hướng lên vùng 700. Ngoài ra, bên cạnh mùa vụ Mỹ, những số liệu dự báo đầu tiên về hoạt động gieo trồng sắp tới ở Nam Mỹ cũng đang bắt đầu là mối quan tâm của thị trường, đặc biệt là khi triển vọng nguồn cung ở đây đã khiến cho giá tăng vọt vào giai đoạn cuối 2 năm trước đó.
Đây là năm thứ ba liên tiếp La Nina xuất hiện và gây ảnh hưởng tới mùa vụ Nam Mỹ. Mô hình thời tiết này thường dẫn đến điều kiện khô nóng cho Argentina và miền nam Brazil; mùa mưa ngắn ở miền trung Brazil. Hai năm La Nina vừa qua đã tạo ra những thách thức thời tiết phổ biến bao gồm nắng nóng khắc nghiệt, và hạn hán kỷ lục trên diện rộng. Năm nay, hạn hán cũng đang đặt ra báo động đối với mùa vụ tại Argentina. Ngô được trồng thành hai đợt, đợt đầu vào tháng 9 và tháng 10, đợt 2 vào tháng 12 và tháng 1. Tuy nhiên, đã 4 tháng qua nhưng mưa vẫn chưa xuất hiện trở lại ở đồng bằng Pampas, tình trạng nghiêm trọng nhất trong gần 30 năm qua. Với dự báo La Nina sẽ kéo dài và gây ra các khung thời tiết bất lợi với cây trồng trong vài tháng cuối năm thì khả năng tình hình mùa vụ được cải thiện cũng rất thấp. Điều này dẫn tới nguy cơ diện tích gieo trồng trong niên vụ 22/23 hiện đang được dự báo ở mức 8.2 triệu ha có thể sẽ bị cắt giảm. Trong bối cảnh sản lượng ngô Mỹ đã sụt giảm mạnh so với dự kiến, triển vọng mùa vụ kém lạc quan của Argentina sẽ đẩy giá tiếp tục đà tăng.
Nhịp điều chỉnh ngắn của giá ngô do áp lực từ tín hiệu phân kì âm có thể vẫn sẽ tiếp tục đẩy giá quay trở lại vùng hỗ trợ 660 – 670 trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, với các yếu tố cơ bản hỗ trợ, giá ngô nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại từ vùng giá này.
Giá Arabica khả năng cao sẽ giảm trong phiên hôm nay do thời tiết tích cực, hỗ trợ sự phát triển của cây cà phê
Kết thúc phiên giao dịch 15/09, Arabica tăng nhẹ trước dự báo sản lượng cà phê tại Brazil năm 2022 sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng từ thời tiết tiêu cực kéo dài. Ở hướng ngược lại, Robusta suy yếu khi các hoạt động giao dịch tiếp tục giảm trước vụ thu hoạch mới vào tháng 10.
Tồn kho cà phê tại các cảng ở Mỹ (GCA), kết thúc tháng 08 đạt 6.5 triệu bao loại 60kg, tăng lần thứ 6 liên tiếp. Kết hợp với thông tin xuất khẩu tích cực tại Bờ Biển Ngà khi xuất khẩu cà phê trong 06 tháng đầu năm tại quốc gia này tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nguồn cung vẫn đang đảm bảo cho nhu cầu trên thị trường.
Số liệu tích cực từ doanh số bán lẻ trong tháng 08 và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ, càng mở rộng khả năng cho việc Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất trong đợt điều chỉnh vào tuần sau. Điều này đã khiến đồng Dollar Mỹ hồi phục trong phiên hôm qua và có thể sẽ tiếp tục duy trì sự tích cực này, từ đó thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil và gây áp lực lên giá.
Về khía cạnh thời tiết, các vùng trồng cà phê chính trên thế giới đều đang nhận được những tín hiệu tích cực trong thời gian tới, cụ thể:
Tại khu vực Nam Mỹ, Brazil được dự báo sẽ có mưa tại khu vực Trung Nam, vùng chuyên cạnh cà phê lớn nhất cả nước trong vòng 10 ngày tới, với lượng mưa vào khoảng 25-50 mm. Đây là một thông tin cực kỳ đắt giá với sự phát triển của cà phê tại Brazil ở thời điểm hiện tại, sau khi trải qua thời gian dài đối mặt với thời tiết khô hạn, đồng thời đây cũng là giai đoạn ra hoa tập trung tại các cánh đồng. Việc có mưa không chỉ giúp cung cấp độ ẩm cho cây trồng mà còn thúc đẩy quá trình ra hoa nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Tại khu vực Châu Á với nhà sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, Việt Nam, dự báo lượng mưa tiếp tục cung ứng vào vùng Tây Nguyên của nước này trong thời gian tới. Hiện tại thời tiết này được cho là không có gì đáng lo ngại đối với các cánh đồng cà phê chuẩn bị thu hoạch vào tháng 10.
Tại khu vực Châu Phi, thời tiết cũng đang rất ưu ái cho sự phát triển cà phê tại một số quốc gia sản xuất chính như Ethiopia khi đón nhận những cơn mưa từ vùng Trung Phi với tổng lượng mưa vào khoảng 30 – 70 mm trong 15 ngày tới.
Áp lực vĩ mô và rủi ro tại Trung Quốc khó hỗ trợ giá đồng bất chấp dữ liệu kinh tế tích cực
Thị trường đồng đang tiếp tục chịu những áp lực do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt tiền tệ trong cuộc họp vào tuần sau và trong giai đoạn tiếp theo. Lực mua có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn trong phiên tối sau những dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc trong tháng 8 đem lại triển vọng tiêu thụ khởi sắc hơn đối với đồng. Tuy nhiên, yếu tố vĩ mô lấn át trong các phiên gần đây và những rủi ro tiếp tục tiềm ẩn tại Trung Quốc vẫn sẽ ngăn cản đà phục hồi mạnh của giá đồng trong ngắn hạn.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đạt mức 4.2% vào tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, đánh bại dự báo của các chuyên gia kinh tế khi chỉ đạt mức 3.8%. Doanh số bán lẻ tăng 5.4% so với một năm trước đó, cao hơn tốc độ dự kiến là 3.3% và tăng từ mức 2.7% trong tháng 7. Đầu tư tài sản cố định cũng tăng trưởng tốt hơn so với tháng trước đó, nhờ vào hàng loạt các gói kích thích kinh tế của Chính phủ và sự nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Những thông tin trên nhiều khả năng sẽ góp phần xoa dịu một phần tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư trước các rủi ro vĩ mô đang liên tục gây sức ép tới thị trường đồng trong các phiên vừa qua.
Tuy nhiên, lực mua vẫn sẽ tương đối hạn chế khi các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ tiền mặt có tính thanh khoản cao trong bối cảnh chưa chắn chắn về mức tăng lãi suất của Fed khi cuộc họp đang cận kề. Điều này khiến chỉ số Dollar Index neo ở mức cao và gây áp lực tới giá đồng.
Bên cạnh đó, các rủi ro về giao dịch kim loại tại Trung Quốc cũng sẽ là hạn chế trong việc đầu tư vào thị trường đồng. Cụ thế, theo Bloomberg, 2 ngân hàng lớn JPMorgan Chase và ICBC Standard tại Trung Quốc đang rút lui khỏi việc tài trợ cho các công ty giao dịch kim loại ở quốc gia này sau hàng loạt các cuộc khủng hoảng, làm tăng áp lực tới lĩnh vực vốn đang chịu nhiều tồn thất bởi tăng trưởng kinh tế eo hẹp. Ít nhất 3 công ty đã bị đóng băng tín dụng hoặc cắt giảm cho vay bởi các ngân hàng này, sau cuộc khủng hoảng thanh khoản của nhà giao dịch đồng hàng đầu Trung Quốc, Maike Metals vào tháng trước.
Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn đang là một trở lực lớn khi giá nhà tại Trung Quốc sụt giảm tháng thứ 12 liên tiếp trong tháng 8 ở mức -0.3% so với tháng trước. Điều đó nhấn mạnh sự hồi sinh của thị trường nhà ở có thể mất nhiều thời gian hơn bất chấp một loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Giá dầu có thể tiếp tục đóng cửa tuần trong sắc đỏ khi các động lực tăng đều đã yếu dần
Giá dầu tiếp tục giằng co quanh mức tham chiếu sau phiên giảm mạnh của ngày hôm qua. Một loạt các tin tức về triển vọng tiêu thụ được đưa ra khiến cho sức ép bán vô cùng áp đảo. Tuy nhiên, xu hướng giảm của giá dầu đã kéo dài từ tháng 6 cho tới nay và chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cải thiện.
Có thể thấy, nhà đầu tư hiện không còn một động lực mua quá rõ ràng, nên những phiên tăng giá, phần nhiều do lực hỗ trợ từ các yếu tố kỹ thuật, cùng với một phần kỳ vọng mỏng manh của các nhà đầu tư. Trái lại, các phiên giảm thường mạnh và “thổi bay” đà tích lũy của nhiều phiên trước đó.
Về chiến lược đầu tư, nhà đầu tư không nên nắm giữ vị thế mua dầu trong dài hạn, mà chỉ nên lướt sóng trong thời gian dưới một tuần. Thay vào đó, nhà đầu tư có thể nắm giữ vị thế bán trong thời gian dài hơn, bởi thị trường gần như không còn một chất xúc tác nào đủ mạnh để giúp giá tăng như hồi đầu năm.
Bất chấp việc nhiều nhà phân tích cho rằng các nhà sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ không thể tăng mức sản lượng bù đắp sự sụt giảm nguồn cung dầu dự kiến của Nga, sau khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào cuối năm nay, thị trường dầu vẫn không đủ hấp dẫn để thu hút thêm sức mua.
Bên cạnh đó, việc đồng USD không ngừng tăng giá do kỳ vọng Fed mạnh tay tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 21-22/09 (theo giờ Việt Nam) sắp tới, cũng gây sức ép đáng kể lên giá dầu, bởi chi phí kinh doanh và giao dịch dầu thô đang trở nên đắt đỏ hơn.