Các yếu tố cơ bản đang thiên về “bearish", giá ngô có thể quay trở lại vùng dưới mức 600 trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 19/07, ngô đang là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Diễn biến suy yếu này cũng đã phần nào thể hiện trong phiên hôm qua khi cả thị trường đều hồi phục mạnh thì ngô lại có mức tăng nhẹ hơn nhiều so với lúa mì hay đậu tương. Một phần vì đà hồi phục của ngô đã bắt đầu từ tuần trước, và lực bán sáng nay cũng được đẩy mạnh do những số liệu trong báo cáo Crop Progress.
Cụ thể, tại Illinois và Minnesota, 2 bang chiếm khoảng ¼ sản lượng ngô ở Mỹ, chất lượng cây trồng đã được cải thiện. Điều này đã bù đắp cho những bang ở khu vực trung và nam Mỹ bị thiệt hại năng nề do hạn hán trong tuần trước như Kansas hay Missouri. Nhiệt độ đỉnh điểm được ghi nhận trong năm 2022 tại một số khu vực cùng với thiếu hụt độ ẩm đã tác động tiêu cực đến cây trồng. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, chất lượng ngô vẫn đang ở mức tương đương so với năm ngoái. Mặc dù dự báo khô hạn vẫn sẽ tiếp diễn trong tháng 8 tới nhưng lúc này ngô cũng đã phát triển nhờ khởi đầu khá tốt và tác động của thời tiết cũng sẽ giảm dần. Chính vì thế nên trong trung hạn, nếu như thời tiết không đến mức quá nghiêm trọng mà vẫn xảy ra nắng nóng theo chu kỳ hàng năm thì đây cũng chưa phải là yếu tố đủ mạnh để khiến giá ngô đảo chiều và tăng trở lại.
Về nhu cầu, xuất khẩu ngô tại Mỹ vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với thị trường. Mặc dù những tháng cuối năm mới là mùa xuất khẩu cao điểm tại Brazil nhờ nguồn cung sẵn có từ vụ 2 vừa thu hoạch, nhưng tính đến tháng 6 năm nay, khối lượng ngô xuất khẩu đã tăng 80% so với vùng kì năm ngoái. Hoạt động thu hoạch vụ 2 vẫn đang được đẩy mạnh sẽ giúp gia tăng cạnh tranh đối với nguồn cung từ quốc gia Nam Mỹ này. Nhìn chung trong ngắn hạn, tác động từ cung cầu Mỹ vẫn đang trái chiều nhau nhưng trong vài tháng tới, xu hướng chính vẫn đang thiên về giảm.

Thiếu vắng các thông tin cơ bản, giá 2 mặt hàng cà phê nhiều khả năng giằng co trong phiên hôm nay theo phân tích kỹ thuật
Kết thúc phiên giao dịch 18/07, hai mặt hàng cà phê đều tăng giá nhờ sự hỗ trợ từ việc tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên sàn ICE US tiếp tục giảm về mức thấp nhất trong gần 23 năm qua.
Các quan chức của Fed kỳ vọng mức tăng lãi suất trong kỳ tới là 0.75 điểm phần trăm thay vì mức 1 điểm phần trăm mà thị trường đang lo ngại, phần nào, xoa dịu những lo lắng về suy thoái kinh tế và khiến Dollar hạ nhiệt đáng kể, từ đó hỗ trợ giá cà phê.
Tiến độ thu hoạch cà phê mặc dù đã được cải thiện so với giai đoạn đầu thu hoạch, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng như trung bình 5 năm, làm dấy lên lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh tồn kho đạt chuẩn Arabica trên sàn ICE US liên tục giảm và chạm mức thấp nhất trong gần 23 năm qua.
Tính đến hết tháng 06, lượng cà phê nhân được lưu trữ tại các cảng ở Hoa Kỳ tăng 46,353 bao (60kg), lên mức 6.05 triệu bao và là lần tăng hàng tồn kho thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên tồn kho này vẫn ở mức tương đối thấp, đặc biệt khi so với năm 2019, mức tồn kho đạt 7.5 triệu bao.

Giá đồng có thể sẽ dao động với biên độ hẹp xuống mức 3.25 USD/pound trước khi đón nhận các thông tin mới
Giá đồng giảm trở lại trong phiên sáng nay sau đà tăng mạnh vào ngày hôm qua, sau khi chạm kháng cự 3.34 USD/pound. Áp lực từ yếu tố dịch bệnh tăng lên tại Trung Quốc và sự chờ đợi của các nhà đầu tư về những động thái mới trong cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tới sẽ khiến giá đồng có thể di chuyển thận trọng trong phiên hôm nay.
Các trường hợp Covid-19 mới ở Trung Quốc đã tăng lên gần 700 ca, con số hàng ngày cao nhất kể từ ngày 22/5 và hầu hết tập trung tại khu vực nam Quảng Tây và Cam Túc. Trung tâm tài chính Thượng Hải cũng đã đã báo cáo 23 trường hợp vào thứ Hai từ 17 trường hợp vào Chủ nhật, trong khi Bắc Kinh phá vỡ chuỗi 7 ngày không có ca nhiễm sau khi phát hiện được 1 trường hợp này hôm qua. Điều này tiếp tục làm dấy lên lo ngại về gián đoạn trong hoạt động phục hồi kinh tế tại quốc gia tiêu thị đồng lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu đồng lớn thứ hai trên thế giới, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang cho thấy quyết tâm giữ lãi suất gần bằng 0 và giới hạn lợi suất trái phiếu nhằm kích thích kinh tế, tiếp tục đi ngược lại cuộc chiến tăng lãi suất của hàng loạt Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới và chấp nhận đồng Yên trượt giá. Các chuyên gia kinh tế cho rằng gần như chắc chắn BOJ sẽ giữ nguyên mức lãi suất -0.1% vào cuộc họp thứ 5 tuần này. Điều đó khiến cho giá nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào quan trọng, trong đó có kim loại đồng vào Nhật Bản sẽ trở nên đắt đỏ hơn, nhất là khi FED đang tiến tới mức tăng 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Nhu cầu có thể bị hạn chế hơn và giá đồng sẽ tiếp tục đối mặt với sức ép, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tối nay, Mỹ sẽ công bố bộ chỉ số liên quan tới lĩnh vực xây dựng, chiếm khoảng 46% lượng cầu về đồng tại quốc gia này, đồng thời phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế hàng đầu thế giới khi đóng góp 18% vào GDP quốc gia này. Số giấy phép xây dựng trước đó đã giảm mạnh vào tháng 5 và thị trường đang dự đoán xu hướng giảm sẽ tiếp tục. Nếu như con số này tiêu cực hơn mức 1.650 triệu, nhiều khả năng giá đồng sẽ còn dư địa suy giảm.

Giá dầu có thể tiếp tục tăng nhờ sự hỗ trợ kép từ lo ngại nguồn cung và triển vọng hồi phục của Trung Quốc
Cả hai mặt hàng dầu thô đều tăng mạnh trong sáng nay, với giá WTI tiến sát mức 100 USD/ thùng, và giá dầu thô Brent đã vượt mức 106 USD/thùng.
Những lo ngại về nguồn cung vẫn còn đó khi mà chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa kêu gọi thành công các quốc gia OPEC gia tăng sản lượng. Trong bối cảnh đó, nguồn cung dầu tại Bắc Mỹ tại tiếp tục bị gián đoạn bởi sự cố mất điện tại một trạm bơm ở Nam Dakota.
Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục hạ nhiệt giúp cho rào cản đối với cả những nhà kinh doanh hàng vật chất, và những nhà giao dịch hàng hóa tương lai giảm bớt. Hiện chỉ số Dollar Index đã giảm về 106.7 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.
Ngoài hai lý do trên, thị trường dầu thô hiện đang nhận được yếu tố hỗ trợ rất lớn từ phía Trung Quốc, bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu “rục rịch” chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19. Mặc dù nhiều thành phố lớn như Thượng Hải vẫn phải gồng mình để chống chọi với dịch bệnh, nhưng các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã ra số trái phiếu trị giá 289 tỷ USD vào tháng 6 để tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mới đây, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã yêu cầu các bên cho vay cung cấp tín dụng cho các công ty bất động sản đủ điều kiện để họ có thể hoàn thành các dự án bị tạm dừng. Sự hồi phục của Ngành bất động sản sẽ là yếu tố hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc hồi phục, từ đó, kích thích nhu cầu tiêu thụ đối với dầu thô.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV