Xuất khẩu đậu tương từ Nam Mỹ gặp khó khăn sẽ giúp giá đậu tương CBOT có thể tiếp tục đà tăng trong vài phiên tới
Mở cửa phiên giao dịch ngày 02/11, giá đậu tương hợp đồng tháng 1 đã tiếp tục duy trì đà tăng từ 2 phiên trước đó. Giá hiện đang ở mức cao nhất trong 5 tuần qua và theo chúng tôi, với khoảng tích luỹ đi ngang trước đó thì nhịp tăng hiện tại sau khi phá vỡ mức chặn trên, giá đậu tương có thể hướng lên vùng kháng cự 1465. Triển vọng tích cực hơn về nhu cầu sẽ là yếu tố thúc đẩy đà tăng đối với giá mặt hàng này.
Bước vào đầu tháng 11, sự chú ý của thị trường sẽ dần hướng tới báo cáo Cung – cầu tiếp theo, đặc biệt là những ước tính của USDA về nguồn cung tại Mỹ. Sau thời gian hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt là ở phía Tây, năng suất đậu tương Mỹ dự kiến có thể sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong báo cáo tới mặc dù hiện tại mùa vụ đã thu hoạch gần xong với gần 90% diện tích dự kiến. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho chúng tôi vẫn duy trì nhận định vào đà tăng của giá đậu tương trong vài phiên tới. Bên cạnh đó, nhu cầu đối với đậu tương Mỹ cũng đang dần quay lại khi tình hình vận tải trong nước được cải thiện nhờ những thay đổi tích cực trên sông Mississippi.
Ngoài ra, tình hình chính trị bất ổn ở Brazil sau cuộc bầu cử tổng thống mới nhất cũng đang khiến cho xuất khẩu từ Nam Mỹ kém cạnh tranh hơn. Các cuộc biểu tình của những người lái xe tải tiếp diễn đã dẫn đến một số đường bị phong tỏa, bao gồm cả con đường chính đến cảng Paranagua. Nếu như tình hình tiếp tục kéo dài thì hoạt động xuất khẩu nhiều khả năng sẽ bị gián đoạn và khối lượng bán hàng đậu tương trong tháng 10 của Brazil sẽ sụt giảm đáng kể. Điều này sẽ càng trở thành động lực khiến cho nhu cầu hướng tới đậu tương Mỹ hơn do quốc gia này đang vào vụ thu hoạch và nguồn cung sẵn có dồi dào hơn.
Đà giảm của cà phê có thể nối tiếp do thông tin cơ bản tác động tiêu cực lên giá
Kết thúc phiên giao dịch 1/11, giá 2 mặt hàng cà phê cùng trở lại đà giảm sau phiên hồi vào đầu tuần. Áp lực từ nguồn cung khi nhà phân tích và môi giới HedgePoint dự đoán sản lượng cà phê niên vụ 23/24 của Brazil có thể tăng trưởng 10%, giống với những gì thị trường đang kì vọng. Bên cạnh đấy, số lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 10 tại Brazil cũng cho thấy sự mở rộng với 199,898 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái cũng phần nào đẩy giá cà phê trở lại đà suy yếu trong phiên hôm qua.
Trái với dữ liệu tích cực của Brazil, Bờ Biển Ngà, quốc gia hàng đầu về xuất khẩu Arabica của thế giới, lại ghi nhận tổng lượng xuất khẩu trong tháng 10 là 9,591 bao loại 60kg, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp cho xuất khẩu trong 1 tháng kể từ 2017. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 11, quốc gia này sẽ bước vào đỉnh điểm của vụ thu hoạch và dự kiến sản lượng thu được sẽ tăng 11.5% so với giai đoạn trước. Sản lượng gia tăng dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trở nên tích cực hơn, từ đó gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Cũng giống với Bờ Biển Ngà, Honduras, quốc gia có sản lượng Arabica lớn thứ 5 thế giới cùng ghi nhận mức xuất khẩu giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức xuất khẩu trong tháng 10 là 42,850 bao. Không chỉ xuất khẩu giảm trong tháng, các hợp đồng bán hàng cùng chỉ đạt 148,700 bao, giảm 53% so với năm trước. Tuy nhiên, khác với nguyên nhân do nguồn cung tại Bờ Biển Ngà, lý do khiến xuất khẩu và bán hàng của Honduras xuất phát từ phía cầu khi giá trung bình từ đầu niên vụ đến nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, đây có thể sẽ là nhân tố đẩy giá cà phê tiếp tục đi xuống.
Tại Brazil, yếu tố thời tiết rất ủng hộ cho triển vọng nguồn cung cà phê trở nên tích cực hơn trong niên vụ tới tại Brazil, kết hợp với dự đoán từ HedgePoint rằng sản lượng có thể tăng trưởng 10%, tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên giá trong thời gian tới.
Giá đồng nhiều khả năng sẽ di chuyển thận trọng trước thềm Fed họp lãi suất vào đêm nay
Đà suy yếu của Đồng Dollar Mỹ đã tiếp tục giúp đồng đón nhận lực mua trong phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, đà tăng bắt đầu chững lại khi giá chạm kháng cự 3.50 USD/pound và các nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn trước thềm cuộc họp lãi suất của Fed vào đêm nay.
Áp lực vẫn còn tồn tại khi mà mới đây, tại Trung Quốc, chính quyền đã cho phong toả khu vực xung quanh nhà máy sản xuất iphone lớn nhất thế giới, Tập đoàn công nghệ Foxconn tại Trịnh Châu khi số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng vọt. Động thái này đang làm dấy lên nghi ngại về tin đồn trước đó, rằng quốc gia này đang có kế hoạch nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và mở cửa trở lại. Gián đoạn trong hoạt động sản xuất tại quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất trên thế giới sẽ tiếp tục là rủi ro lớn gây sức ép lên giá đồng.
Tuy nhiên, đà giảm có thể sẽ không còn quá sâu khi nguồn cung đồng trên thực tế vẫn đang ở trạng thái thắt chặt. Theo phân tích từ ANZ Research, dự trữ đồng trên các sàn giao dịch hiện chỉ ở mức cung cấp khoảng 2 ngày. Trong đó, tồn kho đồng trên Sở COMEX hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, đạt mức 36,828 tấn. Tồn kho trên các Sở Thượng Hải và LME cũng đều đang có xu hướng giảm.
Về mặt vĩ mô, xu hướng giá đồng có thể sẽ rõ ràng hơn sau cuộc họp lãi suất của Fed vào đêm nay. Nhiều khả năng thị trường sẽ phản ứng nhiều hơn với các thông tin về thông điệp của Fed trong các cuộc họp sau đó, rằng liệu Fed có giảm tốc tiến trình thắt chặt tiền tệ hay không. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group trong cuộc họp tháng 12 cho thấy tỷ lệ đặt cược cho mức tăng 50 điểm và 75 điểm cơ bản đang ngang bằng nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát Mỹ vẫn đang ở mức cao, chủ tịch Fed khó có thể có những phát biểu mang tính ôn hoà. Trong trường hợp đó, giá đồng có thể tiếp tục đối diện với áp lực giảm.
Giá dầu WTI nhiều khả năng thách thức lại vùng kháng cự 90 USD/thùng trong phiên hôm nay
Giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng nay, sao khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu giảm mạnh 6.5 triệu thùng.
Thị trường dầu mắc kẹt giữa một bên là rủi ro kinh tế khi Trung Quốc ngày càng gia tăng các biện pháp phong tỏa, hạn chế dịch, và mới đây nhất đã đóng cửa một số khu vực ở Trịnh Châu, khu vực sản xuất của nhà máy Foxconn. Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu ở miền trung Trung Quốc cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp "quản lý im lặng", bao gồm cấm tất cả người dân ra ngoài và chỉ cho phép các phương tiện đã được phê duyệt giam gia giao thông. Quy định này sẽ có hiệu lực ít nhất đến ngày 09/11. Hiện tại, rủi ro về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sụt giảm tại Trung Quốc, cả trong hoạt động giao thông và kinh tế là yếu tố lớn nhất kìm hãm giá dầu.
Càng gần đến ngày 05/12, thời hạn lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô từ Nga của Châu Âu càng khiến thị trường “vất vả” với những ẩn số từ phía nguồn cung. Diễn Đàn Năng lượng Quốc tế IEF cho biết sản lượng dầu Nga có thể giảm 1-3 triệu thùng/ngày dưới tác động kép của lệnh cấm vận cũng như trần giá. Tuy vậy, theo tính toán của Oilprice, thị trường có thể chỉ thiếu hụt 0.78-1.95 triệu thùng dầu/ngày các sản phẩm dầu Nga, do kỳ vọng Nga sẽ chuyển hướng được phần lớn các đơn hàng sang châu Á. Các bất ổn trên thị trường hàng thực là lý do các quốc gia tiêu thụ dầu lớn đang ráo riết thu mua sản phẩm của Mỹ, khiến cho tồn kho nước này sụt giảm mạnh.