Triển vọng nguồn cung nới lỏng sẽ là yếu tố tạo áp lực lên giá lúa mì trong giai đoạn tới
Giá lúa mì chỉ giằng co tăng giảm xen kẽ trong khoảng sideway đi ngang vài phiên giao dịch gần đây. Xu hướng chính đang bao trùm lên mặt hàng này vẫn đang thiên về giảm do triển vọng nguồn cung toàn cầu đang dần nới lỏng hơn. Các vấn đề về chiến tranh ở Biển Đen đã gần như được xoa dịu, chính vì thế nên chúng tôi cho rằng giá sẽ tiếp nối xu hướng hiện tại và vùng chặn dưới 770 sẽ nhanh chóng bị phá vỡ trong ngắn hạn.
Trong tuần vừa rồi, Nga đã xuất khẩu 0.88 triệu tấn lúa mì, thấp hơn so với mức 1.02 triệu tấn của tuần trước đó, SovEcon trích dẫn dữ liệu từ các cảng biển cho biết. SovEcon cũng ước tính Nga đã xuất khẩu khoảng 4.5 triệu tấn ngũ cốc trong 12/2022, trong đó lúa mì chiếm tới 4.1 triệu tấn. Đây là mức xuất khẩu lúa mì cao thứ 2 từng được ghi nhận trong tháng 12, chỉ sau mức kỷ lục của 12/2017. Những năm gần đây, trung bình Nga chỉ xuất khẩu được 3.2 triệu tấn lúa mì trong tháng 12. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh trong giai đoạn này cho thấy nguồn cung từ Biển Đen kể từ sau thỏa thuận giữa các nước đã trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Lượng hàng vốn bị gián đoạn trước đó đang được đẩy ra thị trường với mức giá rẻ hơn so với lúa mì Mỹ. Sự sẵn có của nguồn cung tại thị trường nội địa và đồng nội tệ suy yếu là hai nguyên nhân chính khiến giá lúa mì Nga giảm.
Không những thế, Reuters dẫn lời hai quan chức của Ấn Độ cho biết, chính phủ nước này đang xem xét bán 2.1 triệu tấn lúa mì trên thị trường mở để kiểm soát tình trạng lạm phát giá lương thực nội địa. Ngũ cốc từ các kho của chính phủ sẽ được bán ra với mức giá đã được quy định trước. Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra trong 10 ngày tới. Theo hai quan chức này, chính phủ Ấn Độ hiện dư thừa khoảng 2.1 triệu tấn lúa mì so với mức dự trữ bắt buộc. Từ nay cho tới tháng 04, con số này có thể lên tới 3 triệu tấn, đủ để chính phủ nước này kiểm soát giá. Nếu như lượng hàng từ Ấn Độ ra thị trường lại được mở ra thì sẽ càng củng cố cho triển vọng nguồn cung nói lỏng và sẽ là yếu tố tác động “bearish” tới giá lúa mì. 
Lo ngại về nguồn cung cà phê trong năm 2023 tại Brazil, giá Arabica khả năng cao sẽ khởi sắc trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Robusta bật tăng mạnh gần 3% sau ước tính xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm hơn 17% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm ngoái của Tổng cục Thống kê. Arabica diễn biến khá giằng co, giá nhận hỗ trợ từ số liệu xuất khẩu tiêu cực trong tháng 12 của 2 quốc gia cung ứng hàng đầu là Brazil và Honduras, trong khi tồn kho đạt chuẩn tiếp tục ở mức cao nhất trong 05 tháng qua đã gây áp lực khiến giá giảm nhẹ gần 1%.
Yếu tố thời tiết có thể sẽ là nhân tố hỗ trợ giá Arabica sớm khởi sắc trở lại. Theo báo cáo từ Somar Meteorologia, vùng chiếm 30% sản lượng cà phê của Brazil đã đón nhận lượng mưa 115.4 mm, tương đương 193% trung bình lịch sử. Thêm vào đó, khu vực này được dự đoán sẽ đón nhận lượng mưa lớn lên tới 100 mm trong tuần này. Lượng mưa lớn đổ bộ trong thời gian ngắn có thể khiến cây trồng bị ngập úng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và sản lượng cà phê trong năm 2023 của quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Dù tác động tiêu cực lên nguồn cung, đây được xem là yếu tố sẽ hộ trợ giá Arabica trong thời gian tới.
Một nhân tố khác cũng đang được đánh giá có khả năng sẽ hỗ trợ giá cà là là sự suy yếu về lượng cà phê xuất khẩu tại các nước cung ứng chính. Theo viện cà phê Bờ Biển Ngà (ICAFE), xuất khẩu cà phê dạng hạt tại quốc gia này trong tháng 12 đạt 41,262 bao loại 60kg, giảm 11.7% so với mức 46,729 bao của cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế trong 03 tháng đầu năm vụ 2022/23, quốc gia này đã xuất khẩu 62,953 bao, giảm 23% so với cùng kỳ niên vụ trước. Kết hợp với những lo ngại về nguồn cung sắp tới, giá cà phê có thể sẽ hồi phục trong thời gian tới. 
Giá đồng nhiều khả năng vẫn sẽ gặp áp lực bán trước những triển vọng kinh tế kém sắc
Sau phiên giảm khá mạnh ngày hôm qua, giá đồng mở cửa phiên giao dịch sáng nay với biên độ dao động tương đối hẹp khi thị trường thiếu vắng các thông tin cơ bản mang tính hỗ trợ. Tình hình dịch bệnh vẫn đang cản trở nhiều hoạt động kinh tế tại Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này mở cửa trở lại. Theo thông tin từ Shanghai Metal Market (SMM), tỷ lệ hoạt động của các nhà sản xuất dây và cáp đồng đạt trung bình 69.61% trong tháng 12 năm 2022, giảm 9.79 điểm phần trăm theo tháng và 9.9 điểm phần trăm theo năm. So với tháng trước, tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp kho cảng và nhà máy sơ chế đồng giảm là nguyên nhân khiến tỷ lệ hoạt động bình quân của các doanh nghiệp sản xuất dây và cáp đồng giảm. Việc loại bỏ trợ cấp NEV Trung Quốc đã thúc đẩy người tiêu dùng mua xe trước, điều này cho thấy nhu cầu vào năm 2023 có thể hạ nhiệt. Lĩnh vực bất động sản vẫn khá trì trệ trong bối cảnh thiếu vốn, dự án gián đoạn do tình hình Covid. Đây tiếp tục sẽ là những rào cản đối với bài toán tiêu thụ trong ngắn hạn và có thể gây sức ép tới giá.
Về mặt vĩ mô, giá đồng nhiều khả năng sẽ theo sát diễn biến của đồng Dollar Mỹ trong phiên hôm nay khi các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào Biên bản họp cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố vào đêm nay. Các quan chức đã đưa ra mức lạm phát kết thúc năm 2023 khoảng 3.1%, tính trên dự báo trung bình, cao hơn so với 2.8% trong dự báo hàng quý trước đó được công bố vào tháng Chín. Điều này cho thấy lạm phát vẫn sẽ là mối lo ngại đáng chú ý, khiến nhiều quan điểm đồng thuận rằng lãi suất phải ở trên ngưỡng 5%. Khả năng biên bản sẽ cho thấy các ý kiến “khá diều hâu”, có thể khiến đống Dollar Mỹ tăng trở lại và gây sức ép tới giá đồng trong phiên. 
Giá dầu có thể tiếp tục giảm khi thị trường phản ứng với các số liệu tiêu cực của nền kinh tế Mỹ
Giá dầu tiếp tục giảm trong sáng nay khi những lo ngại về suy thoái tại các nền kinh tế lớn vẫn đang đè nặng lên thị trường.
Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc khiến triển vọng phục hồi của ngành hàng không thế giới trở nên u ám hơn. Mới đây, Trung Quốc cho biết sẽ có động thái “đáp trả” các quốc gia áp dụng hạn chế đi lại với du khách từ nước này. Động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia, và sẽ khó có thể khiến cho các hoạt động du lịch trên thế giới sôi động trở lại như kỳ vọng, nhất là khi Trung Quốc cũng là nước có công dân chi tiêu cho du lịch nhiều bậc nhất thế giới.
Bên cạnh các yếu tố cơ bản về nhu cầu, một chất xúc tác lớn khác với thị trường dầu là diễn biến giá của đồng USD. Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đón nhận nhiều số liệu kinh tế có khả năng sẽ làm thay đổi giá trị của đồng bạc xanh, và gián tiếp ảnh hưởng lên giá dầu.
Cụ thể, biên bản họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được công bố và có thể hé lộ nhiều điều về quan điểm điều hành của các nhà hoạch định chính sách. Tốc độ tăng lãi suất của Fed hiện đã dần chậm lại và các nhà đầu tư đang kỳ vọng mức tăng trong tháng 1 sẽ giảm còn 25 điểm cơ bản thay vì 50 điểm cơ bản trước đó. Tuy nhiên, nếu biên bản cho thấy các quan chức Fed vẫn tiếp tục duy trì quan điểm “thắt chặt”, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD và làm suy yếu giá dầu.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần quan tâm tới chỉ số PMI sản xuất của ISM và Báo cáo cơ hội việc làm JOLTs để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, vốn là một thước đo phản ánh triển vọng tiêu thụ dầu. 

Nguồn: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV)