Lo ngại về mùa vụ ngô đang trong giai đoạn phát triển ở Nam Mỹ sẽ là yếu tố hỗ trợ giá ở vùng 670
Giá ngô kết thúc tuần vừa rồi nối tiếp đà tăng chủ yếu nhờ những kỳ vọng tích cực về nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc cải thiện sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiểm soát phòng dịch Covid. Tuần đầu tiên của tháng 1 cũng là lúc bước vào giai đoạn phát triển quan trọng đối với mùa vụ tại Nam Mỹ nên trọng tâm của thị trường ngô trong tuần này sẽ hướng về cả cung và cầu.
Theo số liệu mới nhất của chính phủ Brazil, nước này đã xuất khẩu 6.41 triệu tấn ngô trong tháng trước, cao hơn mức 6.06 triệu tấn trong tháng 11 và vượt xa so với mức 2.71 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khối lượng bán hàng ngô của Mỹ trong tuần trước cũng tăng lên và đạt mức 781,583 tấn; hơn 1 triệu tấn lên tàu thông quan và xuất khẩu. Điều này càng củng cố triển vọng nhu cầu ngô đang dần cải thiện và sẽ là yếu tố “bullish” đối với giá trong ngắn hạn.
Sau đợt nghỉ lễ Năm mới vừa qua, thị trường ngô sẽ mở cửa trở lại vào tối nay và chúng tôi cho rằng giá sẽ có những biến động đáng kể. Thông thường, các mặt hàng nông sản sẽ tạo gap và trong phiên hôm nay, khi hiệu ứng Santa Claus rally (hiện tượng tăng giá trên các thị trường tài chính sau Giáng sinh và năm mới) kết thúc, áp lực bán tháo có thể sẽ chiếm ưu thế vào đầu phiên. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên hạn chế mở vị thế bán mới do các yếu tố cơ bản hiện vẫn đang thiên về bên mua. Bên cạnh những kỳ vọng về nhu cầu, giai đoạn phát triển này của ngô Nam Mỹ cũng thường khiến cho thị trường lo lắng về ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là khi Argentina vẫn đang trải qua khô hạn kéo dài thì mối lo này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này cũng lý giải nguyên nhân mà thị trường ngô thường có xu hướng tăng giá vào giai đoạn nửa đầu năm và khô hạn kéo theo hàng loạt vấn đề về nguồn cung và vấn đề xuất khẩu cũng chính là yếu tố đã khiến cho giá ngô bật tăng mạnh trong 2 năm trước đó. Trong vài tuần tới, đà tăng của ngô nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hỗ trợ.

Giá Arabica khả năng cao sẽ đảo chiều tăng trong phiên hôm nay trước số liệu xuất khẩu của các nước cung ứng chính

Sau kỳ nghỉ tết dương lịch, hôm nay cả 2 mặt hàng sẽ quay lại giao dịch bình thường. Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022, cả 2 mặt hàng cà phê cùng ghi nhận sự suy yếu. Trong đó, Robusta có tuần giảm hơn 4% do lực bán gia tăng từ phía nông dân Việt Nam khi tỷ gía USD/VND tăng và dịp Tết Nguyên Đán cận kề. Với Arabica, giá chịu áp lực từ việc tỷ giá USD/Brazil Real tăng hơn 2% và tồn kho đạt chuẩn trên ICE US tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hơn 5 tháng.
Arabica qua trở lại giao dịch với các thông tin cơ bản đang thiên hướng tác động “bullish” lên giá. Mở đầu là số liệu xuất khẩu suy yếu trong tháng 12 của 2 quốc gia xuất khẩu Arabica hàng đầu thế giới. Theo dữ liệu mới nhất được công bố bởi chính phủ Brazil, quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới đã xuất khẩu 3.46 triệu bao cà phê xanh trong tháng 12/2022, giảm mạnh so với mức 3.46 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này phần nào phản ánh thực trạng nguồn cung đnag cạn kiệt khi sản lượng thu hoạch trong năm 2022 ở mức thấp. Cùng với Brazil, Honduras, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất Trung Mỹ đã bán được bán 252,656 bao cà phê loại 60kg, giảm so với mức 296,539 bao trong tháng 12/2021. Là mặt hàng phụ thuộc lớn vào yếu tố cung – cầu, việc nguồn cung đang trong tình trạng suy yếu khả năng cao sẽ giúp giá Arabica bật tăng trong phiên hôm nay.
Bên cạnh số liệu xuất khẩu tiêu cực từ các quốc gia cung ứng chính, vấn đề về nguồn cung trong năm 2023 tại Brazil cũng là vấn đề đáng lo ngại. Theo dự báo thời tiết, trong khung thời gian 1 tuần tới, khu vực Đông Nam của Brazil, vùng trồng cà phê chính có thể tiếp tục đón nhận lượng mưa lớn lên tới 100 mm. Sau đợt lũ cục bộ trước đó, lượng mưa lớn được dự báo có thể gây ngập úng đối với cây cà phê đang trong giai đoạn sinh trưởng. Điều này có thể khiến nguồn cung trở nên suy yếu và sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá.

Giá đồng sẽ khó thoát khỏi khoảng đi ngang trước các thông tin tác động trái chiều
Sau kỳ nghỉ Lễ năm mới, giá đồng mở cửa phiên với lực bán khá mạnh, trước những cảnh báo của Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva rằng khoảng 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, động lực thúc đẩy tiêu thụ đáng kỳ vọng là Trung Quốc khi bắt đầu mở cửa trở lại vào đầu tháng 12 cũng đang dần mong manh, khi dữ liệu chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp về 47 điểm, phản ánh tình hình hoạt động của các nhà máy tiếp tục thu hẹp.
Tuy nhiên, giá đồng dần phục hồi trong sắc xanh sau đó bởi kỳ vọng trong dài hạn đang tương đối tích cực. Sau khi đỉnh dịch, đang được một vài chuyên gia dự báo sẽ rơi vào dịp Tết Nguyên Đán cuối tháng 1, và dần lắng xuống, nguồn cung eo hẹp trong khi nhu cầu dần tăng lên có thể hỗ trợ cho giá đồng. Mới đây, cơ quan thống kê của Chile cho biết sản lượng đồng tại quốc gia sản xuất kim loại lớn nhất thế giới, đã giảm 5.5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 459,229 tấn trong tháng 11, do sự sụt giảm một phần của cấp quặng thấp hơn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá sẽ khó có động lực bứt phá mạnh mẽ. Theo Shanghai Metal Market (SMM), tính đến ngày 3/1, lượng tồn kho đồng trên các thị trường lớn của Trung Quốc ở mức 109,300 tấn, tăng 11,300 tấn so với thứ Sáu tuần trước và 14,400 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp chế biến. Ở hầu hết các khu vực, tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp do số người nhiễm COVID-19 chưa đạt đến đỉnh điểm. Ngoài ra, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần, một số doanh nghiệp đầu cuối đã bắt đầu nghỉ lễ và giảm sản lượng, điều này càng đẩy hàng tồn kho xã hội lên cao và có thể gây áp lực đến giá. 

Giá dầu có thể gặp sức ép từ đồng USD và các số liệu kinh tế của Mỹ
Giá dầu giảm trong sáng nay khi tâm lý bi quan bủa vây thị trường. Sức ép bán xuất hiện từ đầu phiên khi các nhà đầu tư cân nhắc tới chỉ số PMI tháng 12 đầy tiêu cực của Trung Quốc. Cả chỉ số PMI sản xuất và PMI phi sản xuất (đo lường lĩnh vực xây dựng và dịch vụ) giảm về lần lượt 47.0 và 41.6 điểm.
Việc PMI suy yếu tháng thứ 5 liên tiếp và luôn ở dưới mức 50 điểm cho thấy tình hình đáng lo ngại của nền kinh tế thứ hai thế giới. Tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc lại làm lu mờ kỳ vọng triển vọng tiêu thụ dầu. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Kristalina Georgieva cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với một năm khó khăn sắp tới, khi cả ba nền kinh tế lớn - Mỹ, EU, Trung Quốc - đều đang giảm tốc. Nhiều nhà phân tích còn dự báo rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ cắt giảm sản lượng mạnh tay hơn.
Hiện thị trường chưa có tin tức mới, mà các nhà giao dịch vẫn cân nhắc các yếu tố về cung cầu. Bên cạnh đó, sau gần hai tuần giao dịch ảm đạm vì các kỳ nghỉ lễ, thanh khoản trên thị trường dầu khả năng sẽ tăng trở lại từ hôm nay, khi dòng tiền quay trở lại với các thị trường tài chính.
Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ cũng sẽ được công bố vào tối nay, và nếu số liệu tiêu cực như Trung Quốc, đây sẽ là tin tức đè nặng lên giá dầu. Các nhà phân tích đang dự báo PMI sản xuất tháng 12 của Mỹ giảm về 46.2 điểm so với mức 47.7 điểm của tháng 11, và là tháng thứ 4 liên tiếp dưới mức 50 điểm, phản ánh sự suy yếu của ngành sản xuất ở Mỹ. Vì vậy, ngay cả khi số liệu không tiêu cực hơn so với dự báo, mà đúng với dự đoán, tin tức này cũng đủ để làm sức ép bán trên thị trường dầu gia tăng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)