Áp lực từ việc nhu cầu suy yếu có thể sẽ đẩy giá đậu tương hướng xuống vùng 1346 trong phiên cuối tuần
Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/10, giá đậu tương vẫn tiếp tục diễn biến giằng co. Hiện tại, giá đang ở trong nhịp giảm mạnh và tín hiệu hình thành xu hướng đang ngày càng được củng cố khi vùng đáy 1360 được thiết lập vào 2 tháng trước đã bị phá vỡ. Xét về mặt kĩ thuật, các đợt giảm mạnh đi cùng sau đấy là một vài phiên điều chỉnh kĩ thuật đang có thể sẽ tạo ra động lực vững chắc để đẩy giá đậu tương về vùng hỗ trợ tiếp theo là 1320.
Đây là giai đoạn mà thị trường sẽ tiếp nhận nhiều thông tin cơ bản của đậu tương khi Mỹ đang bước vào thời điểm thu hoạch cao điểm và nhu cầu sẽ được thể hiện qua các số liệu xuất khẩu, trong khi Nam Mỹ cũng bắt đầu gieo trồng vụ mới. Tại Mỹ, những thiệt hại đối với vụ đậu tương năm nay đã rõ ràng sau giai đoạn khô hạn mùa hè và giá gần như đã phản ánh vào đà tăng vào nửa đầu tháng 8. Tuy nhiên, với tồn kho cuối vụ 21/22 đã tăng lên do ước tính sản lượng cao hơn nên việc USDA tiếp tục cắt giảm sản lượng cũng sẽ khó để giúp giá đậu tương hồi phục trở lại.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng của Trung Quốc cũng đang có xu hướng sụt giảm. Điều này không chỉ được phản ánh qua các số liệu nhập khẩu của nước này trong vài tháng qua mà khối lượng bán hàng hàng tuần của Mỹ cũng dự báo rằng nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Mặc dù đang ở trong giai đoạn thu hoạch, nguồn cung sẵn có dồi dào nhất trong năm và cũng là thời điểm mà nông dân đẩy mạnh bán hàng nhưng thị trường lại thiếu vắng các đơn hàng Daily Export Sales với khối lượng lớn. Nhu cầu ép dầu bị hạn chế do tỉ suất lợi nhuận âm trong vài tháng vừa qua vẫn sẽ là yếu tố khiến cho xuất khẩu của Mỹ trong niên vụ 22/23 có thể sẽ sụt giảm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bất chấp năng suất mùa vụ đậu tương Mỹ 22/23 sụt giảm, tồn kho cuối 21/22 cao hơn và nhu cầu suy yếu vẫn có thể xóa đi những lo ngại về nguồn cung thắt chặt từ đó tác động “bearish” dài hạn đến giá.
Sản lượng bông tại Brazil được dự kiến nới lỏng, có thể tiếp tục gây áp lực lên giá bông trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch 06/10, bông và đường diễn biến trái chiều. Trong khi đường dẫn dầu đà tăng nhóm nguyên liệu công nghiệp nhờ hỗ trợ từ việc hạ dự báo sản lượng đường niên vụ tiếp theo của Đức, bông có phiên giảm thứ 2 liên tiếp kho Dollar Index tăng trở lại.
Báo cáo đầu tiên về mùa vụ 22/23 của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) cho thấy, sản lượng bông niên vụ này sẽ có sự gia tăng 14.6% so với niên vụ trước. Lý do cho sự gia tăng đến từ việc năng suất tăng mạnh và diện tích gieo trồng có sự khởi sắc. Dù hiện tại bông ở Brazil đang trong quá trình gieo trồng, là quá sớm để khẳng định cho việc nguồn cung bông là nới lỏng, do còn nhiều yếu tố khác tác động đến quá trình phát triển và thu hoạch của bông, quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới có dự đoán ban đầu tích cực về sản lượng cũng là tín hiệu tích cực đến nguồn cung thị trường này và gây áp lực lên giá trong thời gian ngắn.
Theo dự đoán của hãng tin Reuters, tăng trưởng việc làm của Mỹ có thể chậm lại trong tháng 09 nhưng thị trường lao động nói chung vẫn trong tình trạng thắt chặt, tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Nếu điều này thực sự xảy ra, khả năng cao đồng Dollar Mỹ vẫn tiếp tục tăng, khiến giá bông Mỹ trở nên đắt hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó gây sức ép lên giá trong phiên hôm nay.
Bất chấp những lo ngại từ nguồn cung, yếu tố vĩ mô nhiều khả năng sẽ tiếp tục chi phối giá đồng
Giá đồng đang tiếp tục theo sát diễn biến của chỉ số Dollar Index, phản ánh tác động của các yếu tố vĩ mô đang có xu hướng lấn át yếu tố cung – cầu trên thị trường. Bất chấp những lo ngại về nguồn cung siết chặt khi Sở Giao dịch Kim loại London (LME) thảo luận về khả năng cấm một số mặt hàng kim loại, trong đó có đồng vào kho dự trữ, giá vẫn gặp sức ép bởi triển vọng kinh tế vĩ mô tiêu cực sẽ gây ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn tới.
Tại Trung Quốc, chi tiêu trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh sụt giảm bởi các hạn chế do dịch Covid-19 và niềm tin tiêu dùng suy yếu. Theo Bloomberg, số chuyến đi được đặt bằng đường sắt từ ngày 28/09 đến ngày 8/10 thấp hơn khoản 38% so với con số 110 triệu lượt vào cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 đang ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng và một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh khó có thể nới lỏng chính sách Không Covid cho đến sau tháng 3 năm sau. Điều này nhiều khả năng sẽ được bàn luận tại Đại hội Đảng lần thứ 20, sự kiến đang mong chờ nhất của Trung Quốc diễn ra vào ngày 16/10 tới đây. Trong trường hợp chính sách này được nới lỏng, triển vọng tiêu thụ đồng có thể sẽ kéo giá tăng trở lại.
Tâm điểm của thị trường trong ngày hôm nay sẽ hướng về dữ liệu bảng lương phi nông của Mỹ trong tháng 9. Sau 3 đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, dữ liệu lần này sẽ rất quan trọng trong việc đánh giá tác động của thắt chặt tiền tệ đến thị trường lao động, và khả năng nền kinh tế Mỹ liệu có rơi vào suy thoái hay không. Các dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ trong tháng 9 vẫn cho thấy bức tranh không quá tiêu cực khi ở mức trung bình khoảng 220,000 người/tuần, thấp hơn con số trung bình 340,000 người/tuần cùng thời điểm năm ngoái. Do đó, nhiều khả năng dữ liệu bảng lương phi nông lần này vẫn sẽ khá tích cực. Điều đó sẽ giúp Fed có thêm không gian trong việc tăng lãi suất, kéo đồng Dollar Mỹ tiếp tục mạnh lên và sẽ là yếu tố gây áp lực lên giá đồng trong phiên.
Giá dầu có thể gặp áp lực điều chỉnh trong phiên cuối tuần khi thị trường hấp thụ hết thông tin về nguồn cung
Gía dầu đang giằng co trong vùng tham chiếu, tuy nhiên xác suất giá giảm đang cao hơn
Sau khi cuộc họp của OPEC+ kết thúc và gói trừng phạt thứ 8 của EU đã được thông qua, thị trường dần cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi rơi vào trạng thái thiếu tin tức. Gói trừng phạt của EU chưa đưa ra được khung thời gian và cơ chế cụ thể của việc thiết lập trần giá do khó khăn trong việc đảm bảo sự đồng thuận của 27 nước thành viên cũng như sự phức tạp của cơ cấu kiểm soát. Bên cạnh đó ,hiện tại vẫn chưa rõ mức giảm sản lượng thực tế của OPEC+ trong tháng 10 sẽ là bao nhiêu. Thực chất, không phải lúc nào các thành viên OPEC+ cũng có động lực tuân thủ các hạn ngạch đề ra. UAE từ lâu đã có dự định nâng cấp sản lượng khai thác dầu thô để tận dụng nguồn dự trữ dầu lớn. Khả năng cao phải đến tháng sau, thị trường mới có đủ số liệu để đánh giá tác động thực sự của các biện pháp này.
Trong khi đó, Saudi Arabia sáng nay cũng đã giảm giá bán dầu cho châu Âu và giữ nguyên giá bán cho thị trường châu Á, một dấu hiệu cho thấy quốc gia Trung Đông này không kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng lên mạnh mẽ trong các tháng cuối năm. Như vậy, có thể thấy nhu cầu vẫn đang là ẩn số chính trên thị trường, và sẽ là yếu tố quyết định lên hướng đi của giá dầu trong tháng này.
Ngày hôm nay, ẩn số sẽ là Bảng lương Phi Nông nghiệp. Theo kỳ vọng, trong tháng 9 thị trường sẽ có thêm 250,000 lao động trong khối tư nhân. Thông thường, số lượng lao động tăng sẽ là dấu hiệu tích cực cho thị trường. Tuy vậy, hiện tại, các nhà đầu tư lo rằng thị trường lao động phục hồi tốt sẽ khiến Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Hơn thế nữa sau báo cáo bảng lương là bài phát biểu của thành viên Fed Williams. Đầu tuần, quan chức này đã lên tiếng ủng hộ đường lối “hawkish” của Fed, do đó khả năng cao thị trường có thể phản ứng tiêu cực trong tối nay.